Tin tức XNC Việt Nam

“MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA VIỆC CẤP THẺ ĐI LẠI APEC CHO DOANH NHÂN VIỆT NAM

           Ngày 12/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2023/QĐ-TTg quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC, thay thế Quyết định số 45/2006/QĐ-TTg ngày 28/02/2006 ban hành Quy chế cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC và Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg ngày 29/1/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC.

          Trên cơ sở kế thừa nội dung của Quy chế cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC hiện hành, Quyết định số 09/2023/QĐ-TTg đã bổ sung một số điểm mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc thực hiện và sử dụng thẻ đi lại doanh nhân APEC (sau đây gọi tắt là thẻ ABTC), cụ thể:

          Thứ nhất, quy định thẻ ABTC có hai hình thức là thẻ ABTC cứng và thẻ ABTC điện tử.

          Thẻ ABTC cứng là thẻ có kích thước hình chữ nhật, được in trên chất liệu đặc biệt theo công nghệ chung của khối APEC, hiện vẫn đang cấp cho doanh nhân; thẻ ABTC điện tử là một dạng thẻ được cấp trên giao diện điện tử, cho phép doanh nhân xuất trình thẻ ABTC thông qua ứng dụng trên thiết bị điện tử thông minh có kết nối mạng internet.

          Thẻ ABTC điện tử được Thủ tướng Úc chính thức thông báo tại Tuần lễ cấp cao APEC năm 2020. Tính đến nay, trong khối APEC đã có 10 nền kinh tế thành viên sử dụng thẻ ABTC điện tử, bao gồm: Úc, Brunei, Chile, Indonesia, Mehico, New Zealand, Papua New Guine, Peru, Philippin và Thái Lan. Việt Nam sẽ là nước tiếp theo trong khối APEC triển khai cấp thẻ ABTC điện tử cho doanh nhân. Doanh nhân Việt Nam có quyền lựa chọn một trong hai hoặc sử dụng đồng thời cả hai hình thức thẻ ABTC.

Hình ảnh giao diện đăng nhập   

      trên ứng dụng ABTC 

Hình ảnh giao diện thẻ ABTC

trên ứng dụng ABTC

Thứ hai, quy định về điều kiện để được xem xét cấp thẻ ABTC đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và doanh nhân, cụ thể:

          - Đối với cơ quan, tổ chức: có nhu cầu cử nhân sự đi lại thường xuyên, ngắn hạn để tham dự các hội nghị, hội thảo, cuộc họp thường niên và các hoạt động về hợp tác, phát triển kinh tế của APEC.

          - Đối với doanh nghiệp: đã có thời gian hoạt động liên tục từ 12 tháng trở lên, chấp hành đúng quy định của pháp luật về thương mại, thuế, hải quan, lao động, bảo hiểm xã hội và các quy định pháp luật liên quan khác; có hoạt động ký kết, hợp tác kinh doanh trực tiếp với đối tác của các nền kinh tế thành viên APEC và có nhu cầu cử nhân sự đi lại thường xuyên, ngắn hạn để thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư....

          - Đối với doanh nhân: phải có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, đang làm việc, giữ chức vụ thực tế tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 12 tháng trở lên và không thuộc các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.

          Đây là những căn cứ để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và doanh nhân xác định tiêu chuẩn trước khi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ ABTC.

          Thứ ba, quy định thống nhất trình tự, thủ tục cấp văn bản cho phép sử dụng thẻ ABTC thực hiện tại bộ ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, để được cấp văn bản cho phép sử dụng thẻ ABTC, doanh nhân cần chuẩn bị các giấy tờ gồm:

- Bản chính văn bản đề nghị cho phép sử dụng thẻ ABTC do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm về nhân sự theo mẫu CV01;

- Báo cáo tổng hợp kê chi tiết các khoản thuế của doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng vào Ngân sách nhà nước trong 12 tháng tính đến thời điểm đề nghị cho phép sử dụng thẻ ABTC;

- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử có chứng thực hợp đồng thương mại của doanh nghiệp ký kết trực tiếp hoặc qua giao dịch điện tử với đối tác của nền kinh tế thành viên APEC có thời hạn không quá 02 năm tính đến thời điểm đề nghị được sử dụng thẻ ABTC, kèm theo các văn bản thể hiện hợp đồng, tài liệu ký kết, hợp tác đã được thực hiện. Nếu các văn bản bằng tiếng nước ngoài phải dịch công chứng hoặc chứng thực sang tiếng Việt. Trường hợp chưa có hợp đồng thương mại thì phải có giấy tờ chứng minh nhu cầu hợp tác với đối tác của nền kinh tế thành viên APEC;

- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử có chứng thực hộ chiếu còn giá trị sử dụng hoặc giấy tờ thể hiện nhu cầu đi lại thường xuyên, ngắn hạn để thực hiện các hoạt động ký kết, hợp tác kinh doanh với đối tác nước ngoài. Trường hợp bản sao không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu;

- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử có chứng thực quyết định bổ nhiệm chức vụ của doanh nhân. Trường hợp bản sao không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu;

- Báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp trong 12 tháng gần nhất và quá trình đóng bảo hiểm xã hội của doanh nhân tính đến thời điểm đề nghị cho phép sử dụng thẻ ABTC kèm theo tài liệu chứng minh; thời gian đóng bảo hiểm xã hội của doanh nhân với chức vụ đề nghị cấp thẻ tối thiểu là 12 tháng. Trường hợp không còn trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì trong báo cáo nêu rõ lý do và có tài liệu chứng minh kèm theo. Trường hợp doanh nhân không thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải nộp văn bản xác nhận của doanh nghiệp;

- Báo cáo quyết toán tài chính trong năm gần nhất của doanh nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

          Đây là một trong những điểm mới quan trọng, thể hiện sự công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo quyền, lợi ích cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và doanh nhân.

          Thứ tư, quy định về hình thức nộp hồ sơ và nhận kết quả đối với thủ tục đề nghị cấp văn bản cho phép sử dụng thẻ ABTC tại bộ ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị cấp thẻ ABTC tại Bộ Công an: được thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến trên Cổng dịch vụ công, đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Việc bổ sung hình thức nộp hồ sơ, nhận kết quả trực tuyến trên cổng dịch vụ công đem lại nhiều lợi ích cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và doanh nhân, giúp cho việc thực hiện các thủ tục hành chính trở nên đơn giản, dễ tiếp cận, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại.

          Ngoài ra, Quyết định đã quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong quản lý việc sử dụng thẻ ABTC của doanh nhân; trách nhiệm báo cáo định kỳ cho cấp có thẩm quyền; việc kết nối dữ liệu giữa Bộ Công an và các bộ ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

          Quyết định mới sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 10/7/2023 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân Việt Nam trong việc đi lại, giao lưu, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC. Thông qua việc ban hành Quyết định số 09/2023/QĐ-TTg, Chính phủ Việt Nam khẳng định cam kết của mình trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên trong khối APEC, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của khu vực.”