Tin tức XNC Việt Nam

CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, QUÁ CẢNH, CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

     Thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, trong những nǎm qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính ngày càng thông thoáng, đơn giản, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, góp phần tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục liên quan nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài.

Luật số 51/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020

     Một trong những nội dung quan trọng để thực hiện cải cách hành chính trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài là hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất nhập cảnh. Xác định nhiệm vụ trên, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Sau thời gian khẩn trương xây dựng dự án Luật, ngày 25/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 51), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.

     Luật số 51 được ban hành đã đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, thể hiện trên một số quy định mới như sau:

     Một là, luật hóa việc cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Sau khi Luật số 51 được ban hành và có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện một số chính sách hạn chế nhập cảnh để đối phó với đại dịch Covid-19, theo đó, việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài tạm dừng từ cuối tháng 3/2020. Thực hiện chủ trương khôi phục chính sách xuất nhập cảnh từ ngày 15/3/2022, việc cấp thị thực điện tử được tiếp tục thực hiện, góp phần tạo điều kiện cho người nước ngoài trong thủ tục xin nhập cảnh Việt Nam. Số lượt người đề nghị cấp thị thực điện tử tăng nhanh, từ nửa cuối tháng 3/2022 có 13.898 lượt người được cấp thị thực điện tử thì trong nửa đầu tháng 4/2022 đã cấp 15.741 thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài, tăng 13,26 %.

     Hai là, bỏ quy định “người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày”, nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, sau đó xuất cảnh sang nước thứ ba rồi quay lại Việt Nam tiếp tục du lịch hoặc về nước.

     Ba là, bổ sung quy định cấp thị thực theo danh sách kiểm tra nhân sự, xét duyệt nhân sự của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đối với khách du lịch tàu biển và thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến thăm ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khấu cảng biển quốc tế.

     Bốn là, quy định các trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực, cụ thể: Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam; có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh; được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động; nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy dịnh của pháp luật về lao động.

     Với quy định trên, các trường hợp chính đáng như: người nước ngoài nhập cảnh do cơ quan, tổ chức mời bảo lãnh để vào làm việc, sau đó được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép lao động... thì không phải xuất cảnh, mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bảo lãnh có thể làm thủ tục xin cấp thị thực mới
theo đúng mục đích nhập cảnh...

     Năm là, sửa đổi quy định về ký hiệu, thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài (Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 - Luật số 47 chỉ quy định một loại thị thực, thẻ tạm trú có ký hiệu ĐT với thời hạn 5 năm) theo hướng: Căn cứ mức vốn góp đầu tư hoặc ngành, nghề, địa bàn ưu đãi, khuyến khích đầu tư để cấp thị thực, thẻ tạm trú có thời hạn và ký hiệu phù hợp. Theo đó, nhà đầu tư có vốn góp giá trị dưới 3 tỷ đồng chỉ được cấp thị thực có thời hạn không quá 01 năm, nhà đầu tư có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên được cấp thẻ tạm trú đến 10 năm.

     Quy định nêu trên được triển khai thực hiện đã góp phần tạo thuận lợi, ưu đãi cho người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với số vốn góp lớn, phù hợp với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, đồng thời khắc phục tình trạng lợi dụng góp số vốn nhỏ để hợp thức hóa việc ở lại Việt Nam lâu dài.

     Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Cục Quản lý xuất nhập cảnh tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử. Thực hiện Quyết định số 10695/QÐ-BCA ngày 25/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an năm 2022, trong đó, lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài có 19 thủ tục áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Theo đó, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải trực tiếp đến trụ sở Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố để nộp hồ sơ và nhận kết quả trả lời, tiết kiệm thời gian, công sức cho người nước ngoài và cơ quan tổ chức.

     Trong thời gian tới, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là triển khai thực hiện Đề án số 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ) và Quyết định số 10695/QĐ-BCA ngày 25/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục về xuất nhập cảnh./.