Đại dịch Covid-19 thời gian qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, gây tổn thất nặng nề đối với các quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã điều chỉnh chính sách chống dịch theo hướng “sống chung” lâu dài với dịch bệnh Covid-19. Liên quan đến công tác quản lý xuất nhập cảnh, các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đã thay đổi linh hoạt chính sách về quản lý xuất nhập cảnh nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 và góp phần phục hồi kinh tế.
Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh phát biểu tại buổi làm việc phối hợp công tác với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, tháng 3/2022 - Ảnh: Tuyên truyền.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, đồng thời bám sát định hướng công tác đối ngoại của Đảng về nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong Công an nhân dân, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã triển khai các mặt công tác hiệu quả, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng như sau:
Một là, coi trọng công tác cải cách hành chính thông qua việc bổ sung, sửa đổi hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý xuất nhập cảnh, không ngừng hoàn thiện văn bản pháp lý và ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý xuất nhập cảnh. Tháng 11/2019, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an, báo cáo Quốc hội thông qua Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đây là hai văn bản luật đặc biệt quan trọng, quy định các hành lang pháp lý về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài, trong đó cơ bản đã xóa bỏ được những khó khăn, bất cập trước đây và có nhiều quy định thông thoáng, rút gọn hơn theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cho người nước ngoài vào Việt Nam và công dân Việt Nam ra nước ngoài.
Hai là, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận về nhận trở lại công dân không được phía nước ngoài cho cư trú với 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần thực hiện Chỉ thị 1737/CT-TTg ngày 20/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam; phối hợp đại sứ quán các nước tạo điều kiện để công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú về nước trên các chuyến bay thuê riêng, thể hiện trách nhiệm, sự đóng góp vào nỗ lực chung của quốc tế trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Ngoài ra, nhằm tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép và di cư bất hợp pháp, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an đàm phán, ký kết các bản ghi nhớ, thỏa thuận về hợp tác trao đổi thông tin xuất nhập cảnh, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin chính thức giữa hai Bên nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.
Để thực hiện có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật xuất nhập cảnh tới các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế tại Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan trong việc thực hiện các quy định pháp luật về xuất nhập cảnh Việt Nam. Hội nghị cũng giải đáp những thắc mắc liên quan quyền, trách nhiệm của công dân Việt Nam khi ra nước ngoài; quyền, trách nhiệm của người nước ngoài, cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam. Hội nghị đã góp phần tăng cường, phát triển mối quan hệ hợp tác với các nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, lan tỏa tới người nước ngoài đang học tập, làm việc và sinh sống tại Việt Nam, khuyến khích họ chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về xuất nhập cảnh của Việt Nam.
Ngoài ra, để đưa các văn bản Luật thực sự đi vào cuộc sống, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ trì soạn thảo, đề xuất ban hành nhiều quy trình, quy chế, hướng dẫn và các quy định triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý xuất nhập cảnh. Nhằm giải quyết kịp thời những yêu cầu của các Bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn áp dụng chính sách hạn chế nhập cảnh, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động tham mưu lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ các chủ trương, chính sách xuất nhập cảnh tạo điều kiện, giải quyết cho các chuyên gia người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, đảm bảo yêu cầu đối ngoại và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội như giảm thời gian xét duyệt nhập cảnh đối với chuyên gia người nước ngoài, áp dụng chính sách tự động gia hạn tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam không thể về nước do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19…Trước tình hình xuất nhập cảnh trái phép và di cư bất hợp pháp có chiều hướng tăng, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và xử lý người nước ngoài, công dân Việt Nam nhập xuất cảnh trái phép; triển khai các kế hoạch của Bộ về tấn công trấn áp tội phạm, ngăn chặn việc đưa người Việt Nam, người nước ngoài xuất nhập cảnh trái phép.
Ba là, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, đảm bảo quy trình kiểm soát, thông thoáng, nhanh chóng và tất cả các khách đều được đưa đi cách ly theo quy định về phòng, chống dịch, tránh gây bức xúc vì phải chờ đợi lâu; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng tại địa bàn sân bay bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các nguyên thủ quốc gia, đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam, góp phần xây dựng một hình ảnh đẹp về Việt Nam trước bạn bè, quan khách quốc tế.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh tổ chức tập huấn triển khai dịch vụ công cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử ở trong nước mức độ 4, tháng 5/2022 - Ảnh: Tuyên truyền.
Bốn là, triển khai hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý xuất nhập cảnh từ Trung tâm Cục đến Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an 63 địa phương; hệ thống cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; hệ thống khai báo, tiếp nhận, quản lý thông tin tạm trú cho người nước ngoài trên nền tảng Internet; hệ thống tiếp nhận, xử lý tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu qua mạng Internet; hệ thống tiếp nhận, phản hồi và khai thác, xử lý thông tin về hành khách trên chuyến bay, thông tin đặt chỗ cho hành khách kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia; triển khai kết nối, khai thác dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý xuất nhập cảnh; tiếp tục triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý xuất nhập cảnh. Đặc biệt, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã triển khai ứng dụng quản lý người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh trên thiết bị di động (IGOVN) tại Công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế. Ứng dụng này được kết nối đồng bộ, tích hợp các chức năng của ứng dụng PC-Covid, vừa phục vụ công tác phòng, chống dịch, vừa phục vụ công tác quản lý người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, không gây khó khăn, không phát sinh thủ tục cho khách khi xuất cảnh. Kết quả là mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính do Cục Quản lý xuất nhập cảnh thực hiện đạt 96,54%. Số lượng người nước ngoài đến Việt Nam du lịch bằng thị thực điện tử tăng cao hàng năm, góp phần quảng bá sâu rộng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Năm là, phối hợp với Đại sứ quán các nước tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ ngoại ngữ, nâng cao năng lực về phát hiện hộ chiếu, giấy tờ giả, phần mềm, cơ sở dữ liệu, phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép và di cư bất hợp pháp cho hàng trăm cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh và lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh biên phòng các địa phương giáp biên và có đông người nước ngoài cư trú, góp phần thực hiện hiệu quả công tác chuyên môn tại cơ quan, đơn vị; góp phần xây dựng Đề án Công an nhân dân Việt Nam đến năm 2030 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, trong đó có lực lượng làm công tác đối ngoại.
Sáu là, duy trì các cuộc tiếp xúc và làm việc với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; thúc đẩy trao đổi đoàn và tích cực, tham gia có trách nhiệm các hội nghị, hội thảo quốc tế liên quan đến công tác quản lý xuất nhập cảnh. Bên cạnh việc tổ chức trao đổi đoàn, họp kỹ thuật theo các thỏa thuận về nhận trở lại công dân, hàng năm, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đều cử cán bộ tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế và các khóa tập huấn chuyên sâu liên quan đến công tác quản lý xuất nhập cảnh trong khuôn khổ hợp tác Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia, Chương trình hợp tác ASEAN-Australia về chống mua bán người (ASEAN-ACT), Tiến trình COMMIT về phòng, chống mua bán người giữa các nước Tiểu vùng sông Mê - Kông (Campuchia, Trung Quốc, Mi-an-ma, Lào, Thái Lan và Việt Nam)…. Đặc biệt, Cục Quản lý xuất nhập cảnh là thành viên tích cực tham gia Hội nghị Những người đứng đầu cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự các nước ASEAN (DGICM), được tổ chức luân phiên giữa các nước thành viên ASEAN. Hội nghị đã được tổ chức 24 lần, là cơ hội để các nước chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt, đồng thời đề xuất các sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác khu vực trong công tác quản lý xuất nhập cảnh.
Những thành tích, kết quả trên có được là do sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và sự đoàn kết thống nhất của lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong việc thực hiện công tác như công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình chưa thật bài bản, chưa theo kịp những chuyển biến mau lẹ, phức tạp của tình hình; còn thiếu những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế…Thời gian tới, khi hoạt động xuất nhập cảnh được nới lỏng, các chuyến bay thương mại được nối lại, nhu cầu công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài tìm kiếm việc làm lớn, tình hình Công dân Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép có thể sẽ tăng và phức tạp hơn, diễn ra cả đường không, đường bộ và đường biển.
Đại tá Nguyễn Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh tiếp và làm việc với đại diện Cơ quan Biên mậu Canada, tháng 5/2022 - Ảnh: Tuyên truyền.
Nhằm tăng cường cải cách hành chính, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, tiếp tục góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, phát huy vai trò tiên phong của công tác đối ngoại, kết hợp chặt chẽ với công tác an ninh trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam, xây dựng lực lượng quản lý xuất nhập cảnh cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, Cục Quản lý xuất nhập cảnh xác định các mặt công tác trong thời gian tới như sau:
Một là, tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh; tiếp tục đàm phán, ký kết các thoả thuận, bản ghi nhớ hợp tác với các nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh nhằm tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý xuất nhập cảnh theo chủ trương Đảng về việc huy động nguồn lực từ bên ngoài phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý xuất nhập cảnh: tổ chức điều tra, đấu tranh, xử lý các đường dây tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách hành chính vào công tác quản lý xuất nhập cảnh; nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và phần mềm ứng dụng quản lý người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam trên thiết bị di động;….
Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác quản lý xuất nhập cảnh nói chung và công tác phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép nói riêng với các đối tác nước ngoài, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn đi vào chiều sâu, ổn định và hiệu quả, thông qua việc đàm phán, ký kết các bản ghi nhớ, thỏa thuận về hợp tác chia sẻ thông tin, phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý xuất nhập cảnh; tham dự các hội thảo, hội nghị, diễn đàn hợp tác trong lĩnh vực xuất nhập cảnh…nhằm triển khai và phát huy các kết quả quan trọng của các diễn đàn mà Việt Nam là thành viên.
Bốn là, chú trọng công tác xây dựng tổ chức, bộ máy và đạo tào, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vì “càng hội nhập sâu với thế giới, chúng ta càng cần có các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ trình độ, uy tín, phong cách để sánh vai với các nước, bạn bè quốc tế; toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”[i]
Năm là, đặc biệt coi trong công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược theo định hướng của Đảng, tập trung đánh giá kỹ các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước, những tác động của việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và sự nguy hại của dịch bệnh và biến đổi khí hậu mà liên quan đến công tác quản lý xuất nhập cảnh. “Công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược là vô cùng quan trọng để giữ được sự chủ động trong một thế giới đầy biến động phức tạp”[i]./.
Trọng Minh
[i] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc tháng 12/2021.