Tin tức XNC Việt Nam

MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT CỦA CỤC QUẢN LÝ XUẤT NHẬP CẢNH TRONG THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÁP CHẾ VÀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2024

1. Năm 2024, hoạt động xuất nhập cảnh của Việt Nam có sự gia tăng mạnh mẽ. Tổng số lượt xuất nhập cảnh đạt 59.521.947 lượt, tăng 48,2% so với năm 2023. Các cảng hàng không quốc tế tiếp tục là cửa ngõ chính của hoạt động xuất nhập cảnh, chiếm 60,9% tổng lưu lượng với 36.247.961 lượt. Số lượt nhập cảnh của người nước ngoài đạt 17.015.677 lượt, tăng 49% so với năm 2023. Sự gia tăng các hoạt động xuất nhập cảnh đã đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý của Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Đảnh ủy và lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thuộc Cục, các công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai các biện pháp công tác, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao; đảm bảo 100% chỉ tiêu hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, trong đó nhiều chỉ tiêu vượt mức yêu cầu với kết quả nổi bật. Trong đó, công tác pháp chế và cải cách hành chính đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị trong năm 2024.

Công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất nhập cảnh

Báo cáo lãnh đạo Bộ Công an trình Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2020/NĐ-CP ngày 01/7/2020 của Chính phủ và Nghị định số 77/2020/NĐ-CP ngày 01/7/2020 của Chính phủ để (1)thực hiện phương án phân cấp giải quyết các thủ tục hành chính về cấp giấy thông hành biên giới Việt Nam - Lào; trình báo mất giấy thông hành; xác nhận, cung cấp thông tin liên quan đến xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; (2)bổ sung hình thức thực hiện trên môi trường điện tử, bỏ nội dung xác nhận của Công an phường, xã tại các mẫu tờ khai đối với các thủ tục hành chính về cấp giấy thông hành; trình báo mất giấy thông hành; xác nhận, cung cấp thông tin liên quan đến xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Trình Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành Thông tư số 59/2024/TT-BCA ngày 07/11/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 74/2020/TT-BCA ngày 01/7/2020 của Bộ Công an quy định việc kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu. Với quy định “Không đóng dấu kiểm chứng vào giấy tờ xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu đường hàng không và cửa khẩu biên giới đất liền đã kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh”, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam khi làm thủ tục xuất nhập cảnh; đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an về cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong tình hình hiện nay.

Họp Hội đồng tư vấn thẩm định dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021

Hiện đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xây dựng: (1) Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tư, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình để sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tế công tác và các quy định liên quan đến các hành vi vi phạm mới được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; (2)  Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành hoặc liên tịch ban hành; trong đó có nội dung bãi bỏ yêu cầu xác nhận của Công an cấp xã vào đơn giải trình về thời gian đã tạm trú tại Việt Nam của người không quốc tịch quy định tại Điều 5, Điều 7 Thông tư số 31/2015/TT-BCA ngày 06/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn một số nội dung về cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, cấp giấy phép xuất nhập cảnh, giải quyết thường trú cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam;

Công tác cải cách hành chính và triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh

Thực hiện chủ trương của Bộ về đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và xu hướng chuyển đổi số, đã tham mưu và triển khai nhiều ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, đưa vào sử dụng hộ chiếu điện tử, thị thực điện tử và cổng kiểm soát tự động tại các cửa khẩu. Triển khai đồng bộ các giải pháp: xây dựng API xác thực thông tin hộ chiếu trên VNeID, số hóa tài liệu và đảm bảo an ninh mạng cho hệ thống thông tin phục vụ Đề án 06/CP… Dịch vụ công trực tuyến trên lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên cơ sở kết nối, kế thừa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là điểm sáng nhận được nhiều ủng hộ của người dân, bước đầu thay đổi thói quan thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử của công dân Việt Nam và người nước ngoài. Đối với công dân Việt Nam, tỷ lệ hồ sơ cấp hộ chiếu nộp qua dịch vụ công trực tuyến đạt 97%, với tổng số 2.579.553 hồ sơ được xử lý trong năm; cơ bản giải quyết tình trạng tồn đọng hồ sơ. Đối với người nước ngoài, việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai, phát sinh hồ sơ tại 61/63 tỉnh, thành phố; triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại trong cung cấp dịch vụ công đối với người nước ngoài như xây dựng phần mềm xử lý thị thực điện tử mới, ban hành quy trình cấp định danh điện tử và xử lý các khiếu nại về hoàn phí, biên lai điện tử nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Đối thoại về thủ tục hành chính, giải quyết TTHC trong lĩnh vực xuất nhập cảnh

Bên cạnh đó, đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Tính đến cuối năm 2024, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã hoàn thành việc tích hợp và cung cấp 36/38 dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an theo Quyết định số 430/QĐ-BCA ngày 26/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã rà soát và phối hợp với Văn phòng Bộ Công an trình Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 7163/QĐ-BCA ngày 01/10/2024 phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần; theo đó, bổ sung vào Danh mục để triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến (1)cấp giấy thông hành biên giới giữa Việt Nam với Lào, Campuchia; (2)trình báo mất thẻ ABTC; (3)kiểm tra xét duyệt nhân sự, cấp phép nhập cảnh cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo bảo lãnh của thân nhân là công dân Việt Nam. Ngoài ra, để triển khai thực hiện Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2024, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã trình Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 4735/QĐ-BCA ngày 28/6/2024 ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử thực hiện 02 dịch vụ công toàn trình “Kiểm tra, xét duyệt nhân sự cấp phép nhập cảnh cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo bão lãnh của thân nhân là công dân Việt Nam[1]” và “Kiểm tra, xét duyệt nhân sự, cấp phép nhập cảnh cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo bảo lãnh của cơ quan, tổ chức qua giao dịch điện tử[2].

Với những thành tích nổi bật nêu trên, năm 2024, chỉ số cải cách hành chính của Cục Quản lý xuất nhập cảnh đạt 91,37 điểm; tăng 8,52 điểm so với năm 2023, xếp loại tốt.

Công tác ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 523/KH-BCA-V03 ngày 13/12/2021 về việc ký kết, gia nhập và triển khai các điều ước quốc tế về bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế năm 2025. Tiếp tục thực hiện các trình tự, thủ tục để ký kết Bản Ghi nhớ giữa Bộ Công an nước CHXNCN Việt Nam và Bộ Nội vụ và Hải ngoại nước Cộng hòa Pháp về hợp tác trong lĩnh vực xuất nhập cảnh; Quy chế phối hợp giữa Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an Việt Nam và Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an Lào; phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về chủ trương ký kết các thỏa thuận về nhận trở lại công dân với Hungary, Pháp, Ba Lan; tiếp tục thực hiện có hiệu quả thỏa thuận đã ký kết giữa Việt Nam với các nước về việc nhận trở lại công dân. Việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam khi trở về nước.

Bên cạnh công tác đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã triển khai nhiều cơ chế hợp tác quốc tế về pháp luật với một số quốc gia và vùng lãnh thổ; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm quản lý xuất nhập cảnh với các đối tác quốc tế; đón tiếp và làm việc với 03 đoàn khách quốc tế, trong đó trọng tâm là tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ tổ chức Hội nghị DGICM lần thứ 27 tại Việt Nam; tiếp nhận và trao đổi công hàm với Hàn Quốc, Đài Loan, Anh, Úc… về thông tin phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép và việc đưa người di cư bất hợp pháp theo các hiệp định đã ký kết hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại; duy trì liên lạc thường xuyên với các cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam để thảo luận chương trình hợp tác, cập nhật chính sách và quy định mới về xuất nhập cảnh, hỗ trợ công dân nước ngoài tại Việt Nam và bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài….

Công tác theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật; công tác quản lý theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Căn cứ Chương trình, Kế hoạch của Bộ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã xây dựng và triển khai Chương trình quản lý, theo dõi công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật năm 2024. Các đơn vị trực thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập cảnh; các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh; về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo; thực hiện tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến theo đúng quy định, không tự đặt ra các yêu cầu, thành phần hồ sơ gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp.

Năm 2024, tình hình an ninh, trật tự trên lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn trước các biến động về an ninh và sự điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh của các quốc gia trên thế giới; cùng với đó, việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài với nhiều chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã đặt ra thách thức lớn đòi hỏi Cục Quản lý xuất nhập cảnh phải chủ động đổi mới tư duy làm việc, tăng cường các biện pháp công tác đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời những tình huống mới phát sinh, đồng thời giải quyết dứt điểm các tồn tại trong công tác quản lý xuất nhập cảnh.

Trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam: sự gia tăng các trường hợp người nước ngoài cư trú trái phép, lao động không phép hoạt động trái mục đích nhập cảnh; phương thức, thủ đoạn có sự thay đổi đáng kể, đặc biệt việc sử dụng thị thực điện tử để nhập cảnh Việt Nam nhằm tìm kiếm việc làm, hoạt động trái mục đích trở thành vấn đề lo ngại. Trước tình hình trên, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động đề xuất và triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời tạo điều kiện cho các hoạt động hợp pháp của người nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế, du lịch và hội nhập quốc tế, như: xây dựng, trình lãnh đạo Bộ ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của người nước ngoài tại Việt Nam”; triển khai hàng loạt các biện pháp tăng cường công tác quản lý người nước ngoài và chỉ đạo lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh công an các địa phương chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo của lãnh đạo Bộ; đề xuất các biện pháp siết chặt cấp thị thực điện tử cho công dân một số nước nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng chính sách thị thực điện tử của Việt Nam để nhập cảnh vi phạm pháp luật; tăng cường công tác xét duyệt nhân sự nhập cảnh, kiểm tra và quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam…

Trong lĩnh vực quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam: chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo hộ công dân, xử lý di cư trái phép đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ. Cụ thể: báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, phối hợp với Bộ Ngoại giao lập danh sách công dân tại các khu vực nóng trên thế giới dự kiến sơ tán về nước, đồng thời rà soát, sàng lọc các đối tượng có nguy cơ phức tạp khi nhận trở lại; phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn chỉnh hồ sơ đàm phán, ký kết hoặc sửa đổi, bổ sung các Hiệp định nhận trở lại công dân đã ký kết; tăng cường chia sẻ thông tin với các quốc gia, phối hợp chặt chẽ với công an địa phương điều tra, xử lý các đường dây tội phạm có tổ chức…

Trong năm 2024, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 9.268 cá nhân và 63 tổ chức với tổng số tiền xử phạt là 33.194.175.000đ; khởi tố 08 vụ; phát hiện, bàn giao cơ quan điều tra các cấp 102 vụ; hoàn thành việc kiểm tra tại 08/12 Công an các địa phương, 04/12 địa phương dừng kiểm tra theo Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Sau khi 04 địa phương còn lại hoàn thành việc tự kiểm tra và gửi báo cáo về Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

2. Năm 2025, lưu lượng khách xuất nhập cảnh dự kiến sẽ tiếp tục tăng (khoảng 15%) so với năm 2024 (ước tính gần 70 triệu lượt). Bên cạnh những thuận lợi kéo theo những thách thức lớn lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh cần triển khai đồng loạt, hiệu quả các biện pháp công tác để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Để tiếp tục phát huy và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của công tác pháp chế và cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, Cục Quản lý xuất nhập cảnh dự kiến tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành: (1) Nghị định số 64/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; (2) Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021; (3) Thông tư số 01/2020/TT-BCA ngày 02/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định phân công trách nhiệm trong CAND về công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của người nước ngoài tại Việt Nam; (4)Thông tư bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành hoặc liên tịch ban hành; trong đó có nội dung bãi bỏ yêu cầu xác nhận của Công an cấp xã vào đơn giải trình về thời gian đã tạm trú tại Việt Nam của người không quốc tịch quy định Thông tư số 31/2015/TT-BCA ngày 06/7/2015.

Hai là, triển khai thực hiện Đề án số 11/ĐA-BCA về “Tăng cường công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của người nước ngoài tại Việt Nam”; báo cáo Chính phủ đề xuất thí điểm, miễn thị thực ngắn hạn cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; đề xuất áp dụng thí điểm các mô hình, các điển hình trong công tác quản lý cư trú của người nước ngoài tại một số địa bàn đặc thù như khu công nghiệp, khu kinh tế, khu vực biên giới…

Ba là, tiếp tục cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an theo Quyết định số 7163/QĐ-BCA ngày 01/10/2024 của Bộ trưởng Bộ Công an; phối hợp Văn phòng Bộ Công an triển khai cung cấp dịch vụ công liên thông trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thiện đưa vào triển khai các dự án kỹ thuật trong công tác xuất nhập cảnh phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến: (1) Nâng cấp hệ thống nghiệp vụ xử lý thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh đáp ứng mức độ 3, 4; (2) Hệ thống thu nhận sinh trắc học phục vụ công tác xuất nhập cảnh tại 05 cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế.

Bốn là, thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định để ký kết các thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết để nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam. Trọng tâm, hoàn chỉnh hồ sơ và đàm phán, ký kết Hiệp định về nhận trở lại công dân với Pháp, Hunggary và Ba Lan; ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Nội vụ và Hải ngoại Pháp về hợp tác trong lĩnh vực xuất nhập cảnh; thúc đẩy ký kết các thỏa thuận triển khai lực lượng an ninh trên không với các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm là, tổ chức 01 đợt Cao điểm tấn công tội phạm và vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh. Ban hành và tổ chức kế hoạch kiểm tra công tác quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam; tập trung ở những thành phố có đông người nước ngoài cư trú như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các địa phương có các khu công nghiệp lớn như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai…/.

Mai Vân - Tổ Pháp chế

 


[1] Đối với trường hợp đã có định danh điện tử mức 2, các giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh được số hóa, chứng thực điện tử, khai thác được thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc Cơ sở dữ liệu/dữ liệu liên thông từ các bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

[2] Đối với trường hợp các giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh được số hóa, chứng thực điện tử, khai thác được thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc Cơ sở dữ liệu/dữ liệu liên thông từ các bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh.