Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã tán thành sự cần thiết ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và thống nhất đánh giá dự án luật đủ điều kiện trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Có thể nói, với sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và cố gắng nỗ lực của Ban Soạn thảo, dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về nội dung, tiến độ và chất lượng.
Đặc biệt, nội dung dự thảo luật đã thể hiện rõ nét những đổi mới, cải cách thủ tục hành chính và việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế và tạo thuận lợi, dễ dàng cho công dân xuất cảnh, nhập cảnh.
Thứ nhất, dự thảo luật đã cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực xuất nhập cảnh được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.
Căn cứ quy định của Hiến pháp, dự thảo luật quy định cụ thể các trường hợp, thời hạn, thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh; đối tượng, thời hạn chưa được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh. Những quy định này vừa thể hiện tính công khai, minh bạch, vừa chặt chẽ, tránh việc lạm dụng, tùy tiện trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh hoặc chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, bảo đảm quyền công dân trong hoạt động xuất nhập cảnh.
Cụ thể hóa quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước của công dân, quy định tại Điều 23, Hiến pháp năm 2013, Điều 5 dự thảo luật quy định công dân có 4 quyền mang tính nguyên tắc, đó là: quyền được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; quyền được sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh để ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp điện tử (đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên); quyền khiếu nại, tố cáo và yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật. Riêng quyền được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh được mở rộng so với hiện nay (theo quy định hiện hành, người bị tạm hoãn xuất cảnh không được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh).
Theo đó, các trường hợp công dân bị tạm hoãn xuất cảnh quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 28 của dự thảo luật vẫn có thể được xem xét cấp giấy tờ xuất nhập cảnh nếu cơ quan, người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh không có văn bản đề nghị chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh.
Việc đưa vào dự thảo luật quy định về cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, không chỉ thể hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, mà còn là sự khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo hộ quyền công dân khi ở nước ngoài đối với những trường hợp bị nước ngoài trục xuất về nước; phải về nước theo thỏa thuận quốc tế; hộ chiếu bị mất ở nước ngoài...
Cán bộ chiến sỹ Cục Quản lý xuất nhập cảnh làm thủ tục xuất, nhập cảnh cho công dân.
Thứ hai, tạo thuận lợi, dễ dàng cho công dân xuất cảnh, nhập cảnh. Trong dự thảo luật có nhiều điểm mới về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong giải quyết các thủ tục cấp hộ chiếu, xuất cảnh, nhập cảnh của công dân.
Dự thảo luật quy định hộ chiếu được cấp riêng cho từng người nhằm tạo điều kiện cho công dân khi làm thủ tục nhập cảnh nước ngoài (quy định hiện nay, trẻ em có thể được cấp chung vào hộ chiếu của cha hoặc mẹ). Khi đề nghị cấp hộ chiếu, công dân không phải làm và nộp hồ sơ, mà chỉ cần điền vào tờ khai theo mẫu hoặc khai qua mạng internet và xuất trình giấy tờ tùy thân.
Đối với người có căn cước công dân, nếu đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước thực hiện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố nơi thuận tiện nhất, không bắt buộc phải thực hiện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn như quy định hiện nay.
Dự thảo cũng quy định, công dân ở trong nước đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai trở đi có thể lựa chọn nơi thực hiện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố hoặc cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an; đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài, có thể lựa chọn thực hiện tại cơ quan đại diện Việt Nam nơi thuận tiện, không phụ thuộc vào hộ chiếu còn thời hạn hay hết thời hạn sử dụng như quy định hiện nay.
Theo quy định của dự thảo luật, công dân có thể trực tiếp nhận hộ chiếu hoặc lựa chọn nơi nhận hộ chiếu phù hợp, bảo đảm thuận lợi nhất cho mình. Quy định về trình tự, thủ tục khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông trong trường hợp bị mất được tìm thấy đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi hộ chiếu có thị thực nhập cảnh nước ngoài còn giá trị hoặc hộ chiếu đó đã được sử dụng trong các giao dịch dân sự như mở tài khoản ngân hàng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc tài sản có giá trị khác...
Có thể nói, những điểm mới trong dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh là những dấu ấn cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, lấy việc phục vụ nhân dân là mục tiêu cốt lõi.
Thứ ba, tạo cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, vừa bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học trong quản lý của cơ quan chức năng, vừa tạo thuận lợi, dễ dàng cho công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh. Về ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, dự thảo Luật đề cập ba nội dung mới.
Một là, giao Chính phủ quy định việc xây dựng, quản lý, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân; hạ tầng chữ ký số phục vụ việc cấp, quản lý, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh; dịch vụ công trực tuyến, khai tờ khai đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, khôi phục giá trị hộ chiếu, theo dõi kết quả giải quyết, nộp lệ phí.
Về vấn đề này, hiện Cục Quản lý xuất nhập cảnh đang quản lý hơn 125 triệu bản ghi dữ liệu về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân và hơn 20 triệu hộ chiếu, giấy thông hành cấp cho công dân. Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân là sự kế thừa dữ liệu sẵn có, không phải xây dựng mới như các cơ sở dữ liệu khác, nên bảo đảm tính khả thi ngay khi luật có hiệu lực. Hai là, quy định về hộ chiếu có gắn chíp điện tử Việt Nam. Đây là quy định cần thiết, phù hợp với xu hướng trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, hộ chiếu có tính bảo mật cao, khó làm giả, vừa bảo đảm việc làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh tại các cửa khẩu của Việt Nam và các nước được dễ dàng, nhanh chóng; vừa tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét cấp thị thực nhập cảnh các nước.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước sẽ tận dụng được nguồn thông tin trong cơ sở dữ liệu, phục vụ việc kiểm tra trước khi cấp hộ chiếu và kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu. Ba là, việc kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động được quy định trong dự thảo luật, để đồng bộ với việc xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân và việc đưa vào sử dụng hộ chiếu có gắn chíp điện tử Việt Nam, bảo đảm công tác kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu được nhanh chóng, chính xác và thuận lợi cho công dân khi xuất cảnh, nhập cảnh.
Mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần được làm rõ như tính khả thi của việc xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân; hoặc có nên quy định cụ thể đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, cơ quan có thẩm quyền cử, cho phép, quyết định người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ra nước ngoài hay chỉ quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong tình hình hiện nay?
Nhưng có thể khẳng định, dự thảo Luật đã đáp ứng được các yêu cầu về thể chế hóa Hiến pháp, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân được ban hành sẽ là bước quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất nhập cảnh trong mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đại tá Trần Quang Tám
Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh