Tin tức XNC Việt Nam

NÂNG CAO NHẬN THỨC CỦA NHÂN DÂN VỀ CÁC PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO QUA MẠNG XÃ HỘI LIÊN QUAN ĐẾN CHƯƠNG TRÌNH TRẠI HÈ

Trong những năm gần đây, chương trình Trại hè "Học làm chiến sĩ Công an" do Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng dành cho con em cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân đã được tổ chức thành công, nhận được nhiều sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo cán bộ chiến sỹ nói riêng và người dân nói chung.  Chương trình Trại hè góp phần giáo dục cho các em tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, bạn bè và rèn luyện về ý thức, tính tự lập, kỷ luật, trang bị thêm những kỹ năng sống cần thiết cho thiếu niên, nhi đồng, cụ thể như: Kiến thức pháp luật cơ bản về Quyền trẻ em; kỹ năng làm việc theo nhóm; kỹ năng tham gia giao thông an toàn; kĩ năng xử lí khi bị nhốt trên ô tô đóng kín; phòng, an toàn khi ở nhà một mình; phòng, chống cháy nổ; phòng, chống xâm hại tình dục; phòng, chống đuối nước; an toàn khi sử dụng Internet; phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống ma túy học đường...

Tuy nhiên, lợi dụng thành công của trại hè "Học làm chiến sĩ Công an" và uy tín của Học viện Cảnh sát nhân dân nói riêng, của lực lượng Công an nhân dân nói chung, các đối tượng lừa đảo đã tạo các tài khoản trên mạng xã hội Facebook và đăng các nội dung tuyển sinh. Để tạo niềm tin cho người dân, các đối tượng quảng cáo khi đăng kí tham gia hoàn toàn không mất phí, bao ăn ở, thậm chí còn có nhiều quà tặng miễn phí. Sau đó, các đối tượng sẽ gửi các tiêu chí tham gia ứng tuyển, mã ứng viên và dẫn dắt nạn nhân trao đổi qua các nhóm của Zalo, Telegram để che giấu hành tung, đồng thời tạo nhiều tài khoản giả mạo tham gia nhóm làm các phụ huynh khác để tạo hiệu ứng đám đông, khiến nạn nhân muốn nhanh chóng đăng kí nếu không sẽ mất lượt. Tiếp đến, đối tượng yêu cầu phụ huynh thực hiện các thử thách, nhiệm vụ với các số tiền tăng dần để hỗ trợ chương trình. Do tin tưởng, nhiều người dân và cả thân nhân của cán bộ, chiến sĩ đã chuyển tiền để đăng ký cho con em mình tham gia. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền xong thì đối tượng chiếm đoạt và chặn liên lạc.

Để phòng tránh thủ đoạn lừa đảo giả mạo tổ chức trại hè nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân, đề nghị nâng cao nhận thức về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, trong đó đặc biệt là lừa đảo thông qua các trang Facebook có nội dung quảng cáo về "Trại hè kỹ năng - Học kỳ Công an nhân dân", "Trại hè học kỳ quân đội" ,... hoặc các nội dung quảng cáo tương tự. Đồng thời, tập trung vào một số nội dung sau để giúp nhận biết dấu hiệu giả mạo, lừa đảo qua mạng xã hội:

1. Đánh giá một số thông tin của fanpage, như: thời gian tạo lập; thời gian đổi tên fanpage; các quảng cáo fanpage đang chạy. Nếu đúng là trang của lực lượng Công an sẽ không có lịch sử đổi tên từ các nhóm không liên quan.

2. Nếu fanpage có số điện thoại, website thì kiểm tra thông tin số điện thoại đó bằng các ứng dụng chặn cuộc gọi rác, lừa đảo như: Truecaller; Key Messages; Block Calls & Block SMS; Hiya Caller ID and Block...

3. Người dân có thể tìm kiếm số điện thoại liên hệ, địa chỉ các đơn vị Công an địa phương, các đơn vị tổ chức trên công cụ tìm kiểm để đối chứng thông tin.

4. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác, cụ thể người nhận tiền là ai, ở đâu.

5. Đối với các nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

                                                                        Phạm Thảo - Tuyên truyền