Trong những năm qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh nói riêng và Bộ Công an nói chung đã tích cực tham mưu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất nhập cảnh theo chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác xét duyệt nhân sự cấp thị thực cho người nước ngoài.
Thứ nhất, việc ban hành Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài.
Luật đã mở rộng đối tượng được cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế đối với trường hợp người nước ngoài trước khi đến Việt Nam phải đi qua nhiều nước, đi du lịch theo đoàn và thời hạn giải quyết cho các hồ sơ người nước ngoài đề nghị cấp thị thực tại cửa khẩu để du lịch là 03 ngày nhưng trên thực tế thì hầu hết đều được giải quyết trong ngày.
Quá trình thực hiện cũng có một số điểm chưa phù hợp với thực tế như quy định về đơn phương miễn thị thực: người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực phải cách lần nhập cảnh theo diện miễn thị thực trước ít nhất 30 ngày. Tuy nhiên, Bộ Công an đã kịp thời đề xuất và Chính phủ đã đồng ý: khách nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực để du lịch, nếu có nhu cầu tiếp tục ở lại Việt Nam du lịch quá thời hạn 15 ngày theo chương trình tour của doanh nghiệp lữ hành quốc tế thì được xem xét gia hạn tạm trú phù hợp với chương trình tour, vé máy bay xuất cảnh; nếu sau đó xuất cảnh sang nước thứ ba rồi quay trở lại Việt Nam cách thời điểm xuất cảnh chưa đến 30 ngày thì được cấp thị thực ngay tại cửa khẩu, thời hạn phù hợp với vé máy bay xuất cảnh, thời hạn không quá 15 ngày (phí áp dụng theo quy định của Bộ Tài chính chỉ 05 USD).
Thứ hai, để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam, nhất là góp phần phát triển du lịch, thu hút đầu tư, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục An ninh, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã nghiên cứu, đề xuất và đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua đề án cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, theo hướng: toàn bộ quá trình từ nộp hồ sơ, đóng phí hồ sơ và thông báo kết quả cấp thị thực cho người nước ngoài đều thực hiện trên giao dịch điện tử. Theo đó, người nước ngoài được giải quyết cấp thị thực điện tử sẽ truy cập Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để in thị thực.
Bên cạnh đó, hiện nay, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã triển khai việc tiếp nhận, xử lý đề nghị xét duyệt, kiểm tra nhân sự người nước ngoài nhập cảnh của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam qua hệ thống giao dịch điện tử theo quy định tại Nghị định số 07/2016/NĐ-CP. Các cơ quan, tổ chức có bút ký điện tử có thể nộp và nhận kết quả trả lời đề nghị xét duyệt nhân sự qua hệ thống giao dịch điện tử; không phải trực tiếp đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh làm thủ tục. Bước đầu, việc áp dụng hệ thống giao dịch điện tử như trên đã được nhiều doanh nghiệp đón nhận vì thủ tục đơn giản, thuận tiện, tiết kiệm thời gian.
Việc triển khai thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, về cơ bản đã đạt được các yêu cầu mà Quốc hội, Chính phủ đề ra, thu hút hơn nữa người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, khảo sát thị trường, tìm cơ hội đầu tư.
Việc cấp thị thực điện tử đã tạo sự đổi mới về thủ tục hành chính trong việc thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh của Việt Nam, đạt dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 với số lượng hồ sơ đề nghị cấp thị thực điện tử tăng nhanh theo từng tháng. Thời hạn giải quyết cấp thị thực điện tử theo quy định là 3 ngày làm việc, tuy nhiên trên thực tế hầu hết đều được giải quyết trong thời hạn từ 1 - 2 ngày làm việc. Trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh vẫn tiến hành giải quyết hồ sơ xin cấp thị thực điện tử của người nước ngoài và đã giải quyết hơn 3000 hồ sơ trên tổng số hơn 4000 hồ sơ đề nghị cấp thị thực điện tử.
Nếu so sánh với các nước áp dụng cấp thị thực điện tử thì thủ tục của ta nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều. Ví dụ như: Úc áp dụng cấp thị thực điện tử nhưng tờ khai rất nhiều mục, yêu cầu chứng minh tài chính và vẫn cần phải đến trực tiếp Cơ quan đại diện ngoại giao của Úc để cung cấp thông tin sinh trắc học; Cam-pu-chia chỉ áp dụng cấp thị thực điện tử để du lịch, nhưng chỉ áp dụng tại 5 cửa khẩu; Singapore giải quyết hồ sơ thị thực điện tử lên đến 04 tuần…
Tên miền của Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh gồm tiếng Việt và tiếng Anh là https://www.xuatnhapcanh.gov.vn hoặc https://www.immigration.gov.vn đã được quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 07/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay đã có 3.124.359 lượt người nước ngoài truy cập. Để giải đáp các khó khăn, thắc mắc của người nước ngoài liên quan đến thị thực điện tử, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã xây dựng mục “Những câu hỏi thường gặp” bằng 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và mở hòm thư giải đáp các vấn đề liên quan thị thực điện tử tại địa chỉ http://evisa@immigration.gov.vn.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh thấy rằng, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách cấp thị thực điện tử của nước ta đến với người nước ngoài, trách nhiệm không chỉ của riêng Bộ Công an. Chính vì vậy, ngay sau khi bắt đầu thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã tổ chức họp báo với Tổng cục Du lịch, Cục Hàng không Việt Nam và Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao nhằm tăng cường phối hợp để đưa chính sách cấp thị thực điện tử của nước ta đến gần hơn với người nước ngoài.
Chính sách thị thực trong năm qua đã có nhiều đổi mới và đã là chính sách thì cần phải có thời gian để kiểm nghiệm. Tại Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Quốc hội giao Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2018. Trên cơ sở quá trình thực hiện pháp luật liên quan, trong thời gian tới, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ Công an để đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo hướng tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch./.