Tin tức XNC Việt Nam

Họp báo thông báo về việc Bộ Công an chủ trì tổ chức Hội nghị Những người đứng đầu cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự các nước ASEAN lần thứ 27 (DGICM 27)

Ngày 06/8, tại Hội trường Bộ Công an, Cục Quản lý xuất nhập cảnh tổ chức họp báo thông báo về việc Bộ Công an chủ trì tổ chức Hội nghị những người đứng đầu cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự các nước ASEAN lần thứ 27 (DGICM 27) và một số điểm mới chính sách xuất nhập cảnh, ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến trong công tác quản lý xuất nhập cảnh.

Đồng chí Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Cục Trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì buổi họp báo. Tham dự có đại diện Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam, đại diện Đại sứ quán các nước Nhật Bản, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc... cùng các phóng viên cơ quan báo chí, biên tập viên đài truyền hình.

Đồng chí Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Cục Trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì buổi họp báo

Từ ngày 12 - 16/8/2024, Bộ Công an phối hợp cùng Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị DGICM lần thứ 27 tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Hội nghị DGICM lần thứ 27 là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự trong khu vực ASEAN.

Đây là lần thứ 3 Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị DGICM, lần đầu tiên vào năm 2003 tại Hà Nội và lần thứ 2 vào năm 2013 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị DGICM lần này với sự góp mặt của 150 đại biểu, trong đó có 130 đại biểu đến từ các nước trong khối ASEAN. Hội nghị DGICM lần thứ 27 là cơ hội để Việt Nam, với tư cách là nước chủ nhà đăng cai tổ chức thể hiện sự tích cực, chủ động và trách nhiệm với tư cách là một nước thành viên DGICM, góp phần xây dựng một ASEAN thống nhất, đoàn kết, phát triển bền chặt và toàn diện trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự.

Phát biểu tại họp báo, đồng chí Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Cục Trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh khẳng định: Hội nghị DGICM năm 2024 tại Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà sẽ có những sáng kiến đề nghị tại DGICM 27 để trình lên Ban thư ký ASEAN. Đây là văn bản quy định khung hoạt động chung của Hội nghị, trong đó quy định các mục liên quan như nguyên tắc, vai trò, nhiệm vụ, tần suất nhóm họp, nội dung họp, chi phí tổ chức, cơ chế hỗ trợ…

Khẳng định cam kết và quyết tâm mạnh mẽ hướng đến một ASEAN kết nối hơn là chìa khóa phát huy toàn bộ tiềm năng khu vực và nâng cao sức cạnh tranh toàn diện. Với ý nghĩa, vai trò quan trọng nêu trên, Hội nghị DGICM lần thứ 27 năm nay xác lập chủ đề là "An ninh toàn diện, tăng cường kết nối, hướng tới tương lai". Tập trung giải quyết những vấn đề, thách thức trong quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự, nhằm xây dựng ngôi nhà chung ASEAN vững vàng trong mọi hoàn cảnh, thực hiện hiệu quả những nguyên tắc cơ bản, định hướng chung đã được ASEAN thống nhất và hiện thực hóa "Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045".

Toàn cảnh buổi Họp báo

Bên cạnh việc thông báo các nội dung liên quan đến việc tổ chức Hội nghị DGICM 27, tại buổi họp báo, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã thông báo kết quả công tác quản lý xuất nhập cảnh 06 tháng đầu năm 2024, trong đó, trọng tâm là chính sách mới về xuất nhập cảnh, công tác chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên lĩnh vực xuất nhập cảnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy CATW, lãnh đạo Bộ Công an, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, trọng tâm là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 23). Theo đó, (1) nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên không quá 90 ngày để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư. (2) Quy định thị thực điện tử có giá trị một lần hoặc nhiều lần. (3) Sửa đổi, bổ sung quy định về diện được áp dụng cấp thị thực điện tử để mở rộng thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ.

           Năm 2023, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về việc rà soát các thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình, một phần theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, Cục Quản lý xuất nhập cảnh tiếp tục phối hợp văn phòng Bộ rà soát, đề xuất lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định số 430/QĐ-BCA ngày 26/01/2023 về việc phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an (thay thế Quyết định số 10695/QĐ-BCA ngày 25/12/2021). Theo đó, trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh sẽ cung cấp 40 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần, gồm: 22 dịch vụ công trực tuyến một phần và 18/22 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Đồng chí Đại tá Nguyễn Bá Tuấn, Phó Cục trưởng điều hành phần trả lời câu hỏi
của các cơ quan báo chí

Có thể nói, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến của ngành Công an nói chung và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực Quản lý xuất nhập cảnh nói riêng trong thời gian qua mang tính đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và góp phần hội nhập quốc tế. Việc triển khai hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ hiện đại trong việc triển khai Đề án 06 và dịch vụ công trực tuyến trên lĩnh vực xuất nhập cảnh đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân: mọi giao dịch giữa người dân và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đều thực hiện trên môi trường điện tử, người dân không phải đến tận trụ sở cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh xếp hàng, lấy số thứ tự nộp hồ sơ; công dân chủ động thực hiện giao dịch vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, tại bất cứ nơi nào có kết nối Internet, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm; công dân có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ, qua đó gia tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính.

Tính đến 06 tháng đầu năm 2024, lưu lượng nhập cảnh của NNN là 8.889.746 lượt tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023; xét duyệt nhân sự cho 1.695.777 lượt NNN nhập cảnh; cấp 1.482.469 thị thực điện tử, hiện tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến tại Cục ổn định, thủ tục “kiểm tra, xét duyệt nhân sự cho NNN nhập cảnh Việt Nam” qua giao dịch điện tử đạt mức 99%. Về công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, 6 tháng đầu năm, lưu lượng công dân Việt Nam xuất cảnh là 5.760.872 lượt, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2023. Cục đã cấp 1.358.514 hộ chiếu cho công dân Việt Nam trong đó, tỷ lệ nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến là 97% tổng số hồ sơ. Đến nay, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã hoàn thiện các tính năng, tiện ích để nâng cao chất lượng cung cấp 38/40 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, dịch vụ công thiết yếu cấp hộ chiếu phổ thông đạt trên 80%; nhiều dịch vụ đạt tỷ lệ 100%.

 Tại buổi họp báo, lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, lãnh đạo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã giải đáp 15 câu hỏi của các cơ quan báo chí liên quan đến Hội nghị DGICM 27 và những điểm mới về chính sách xuất nhập cảnh, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập cảnh và nhận được phản hồi tích cực từ phía Đại sứ quán các nước, các cơ quan báo chí và phóng viên tham dự họp báo.

Lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh chụp ảnh lưu niệm với đại diện các cơ quan báo chí tham dự họp báo

Kết luận tại buổi họp báo, đồng chí Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Cục trưởng nhấn mạnh: trong thời gian tới, Cục Quản lý xuất nhập cảnh rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm phối hợp, định hướng tuyên truyền kịp thời về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật về xuất nhập cảnh: chính sách thị thực thông thoáng với người nước ngoài; quy định về thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước, một số thủ tục được quy định trong Luật sửa đổi theo hướng có lợi cho người dân; những tiện ích cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động (Autogate); việc thực hiện chuyển đổi số theo Đề án 06, dịch vụ công trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Tích cực tuyên truyền những thành tích, kết quả nổi bật của lực lượng CAND, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnhxây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

Phạm Thảo - Tuyên truyền