Tin tức XNC Việt Nam

HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRỌNG TÂM CỦA THƯỜNG TRỰC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

1. Sáng 19/12/2023, đồng chí Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trọng tâm với các tỉnh: Bắc Kan, Cao Bằng, Hưng Yên, Lạng Sơn và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Thành phần dự điểm cầu Trụ sở Bộ Công an, gồm: đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công an: V01, V03, C06, C07, C08, A08, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ; thành phần dự điểm cầu Trụ sở Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm: đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan. Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách thủ tục hành chính của đơn vị trong năm 2023; khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính trong năm 2024. Một số kết quả nổi bật như sau:  

- Từ 01/01/2023 đến 01/11/2023, UBND các tỉnh đã ban hành 197 Quyết định công bố danh mục TTHC; BHXH Việt Nam đã ban hành các Quyết định công bố 25 TTHC. Thực hiện Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 01/01/2023 đến 31/10/2023, UBND các tỉnh đã công bố 123 thủ tục hành chính nội bộ. Hiện đang tiếp tục rà soát TTHC nội bộ chưa được thống kê, công bố; tiến hành rà soát, đơn giản hóa các TTHC nội bộ đã công bố, hoàn thiện các nội dung để trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án đơn giản hóa.

- Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các tỉnh được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để tích hợp, đồng bộ dữ liệu; duy trì hoạt động ổn định; tích hợp dịch vụ thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia (Payment Platform) phục vụ nhu cầu thanh toán phí/lệ phí trong giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp. BHXH Việt Nam thực hiện đơn giản hóa mẫu đơn, tờ khai trên nguyên tắc khai thác tối đa dữ liệu từ nguồn sẵn có của cơ sở dữ liệu BHXH, từ nguồn chia sẻ từ các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp, cung cấp 100% dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết trên Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam.

- Đã triển khai Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice), ứng dụng chứng thư số, chữ ký số tới hầu hết các cơ quan hành chính nhà nước trong hệ thống cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã; triển khai thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi, trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt cho người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội… BHXH Việt Nam triển khai 28 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nghiệp vụ; kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở Khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí Khám chữa bệnh BHYT; hơn 620 nghìn đơn vị giao dịch điện tử với cơ quan BHXH thông qua Cổng thông tin điện tử.

- Triển khai, đẩy nhanh thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo lộ trình: (i) UBND tỉnh Cao Bằng: số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 42,1%; (ii) UBND tỉnh Lạng Sơn: thực hiện số hoá lên Kho dữ liệu số hoá của tỉnh là 508.669 hồ sơ (trong đó cấp tỉnh: 65.714 hồ sơ; cấp huyện: 65.268 hồ sơ; cấp xã: 377.687 hồ sơ); (iii) UBND tỉnh Hưng Yên: từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả TTHC toàn tỉnh đạt gần 75% (cấp tỉnh đạt 93%, UBND cấp huyện, cấp xã đạt 69%); (iv) UBND tỉnh Bắc Kạn: tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả TTHC của toàn tỉnh đạt 68,9%; (v) Bảo hiểm xã hội Việt Nam: các kết quả giải quyết thủ tục hành chính là bản giấy, còn hiệu lực đang được số hóa và lưu trữ điện tử tại Trung tâm Lưu trữ BHXH Việt Nam để phục vụ toàn ngành tra cứu…

Một số khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” trong công tác cải cách thủ tục hành chính; triển khai Đề án 06 của Ủy ban nhân dân các tỉnh và Bảo hiểm xã hội Việt Nam

- Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh

Thứ nhất, về hạ tầng công nghệ thông tin: (i) chưa hình thành Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, dữ liệu về các lĩnh vực chuyên ngành của tỉnh đang được lưu trữ rời rạc trên các hệ thống thông tin khác nhau, nhiều thông tin dữ liệu cần thiết chưa được tạo lập, chuẩn hóa, số hóa để phục vụ việc tra cứu và chia sẻ; (ii) chất lượng đường truyền Internet cung cấp cho người dân, doanh nghiệp tại một số xã vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; hệ thống đường truyền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa ổn định; (iii) việc hoàn thiện các tính năng tại Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh còn chậm”…

Thứ hai, về dữ liệu: (i) dữ liệu của BHYT chưa đồng bộ trùng khớp với thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; (ii) một số huyện, thành phố chưa kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu đất đai chưa được bổ sung, hoàn thiện quy chuẩn dữ liệu theo tiêu chuẩn hiện hành nên chưa đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ...

Thứ ba, về phần mềm, hệ thống: (i) tài khoản trên phần mềm quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp cấp cho Sở Tư pháp chưa có chức năng thống kê số liệu trên Hệ thống, do đó, việc lấy số liệu chậm, việc báo cáo, tổng hợp số liệu đôi khi chưa chính xác, kịp thời.

Thứ tư, về trang thiết bị, số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa tài liệu; (i) trang thiết bị công nghệ thông tin, nhất là tại Bộ phận Một cửa cấp xã phần lớn đã xuống cấp, cấu hình thấp hoặc thiếu thiết bị như Kios, thiết bị lấy số tự động, máy scan..; (ii) chưa được trang bị thiết bị đọc được mã QR Code quét ứng dụng VNeID và thẻ căn cước công dân…

- Đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam:

Thứ nhất, về cơ sở pháp lý: quá trình triển khai các nhiệm vụ thiếu văn bản hướng dẫn (quy định về việc thực hiện xác thực sinh trắc trong khám chữa bệnh BHYT; quy định về việc lưu trữ, sử dụng thông tin sinh trắc...).

Thứ hai, về Quy trình liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi: (i) trường hợp người dân chọn sai nơi khám chữa bệnh ban đầu (ví dụ các cơ sở y tế không có khoa nhi), hệ thống không cho sửa, trả lại; (ii) việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi hiện không in được mã nơi đối tượng sinh sống.

Thứ ba, về Quy trình liên thông điện tử giải quyết nhóm TTHC "Đăng ký khai tử xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí": hiện vẫn có nhiều trường hợp thông tin trên Trích lục khai tử và thông tin quản lý người hưởng, lưu trữ tại cơ quan BHXH có sự khác biệt cần thêm thời gian đối chiếu, xác minh.

Thứ tư, về việc thực hiện dịch vụ công liên quan đến sử dụng thông tin dữ liệu điện tử từ Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngành Y tế: (i) việc chia sẻ dữ liệu người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, nông - lâm - ngư nghiệp để đối soát khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đóng BHXH tự nguyện, đóng BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT trên Cổng dịch vụ công quốc gia hiện tại vẫn chưa thực hiện được; (ii) các quyết định hưởng BHTN ký số của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chưa đảm bảo quy định theo Điều 14 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ nên cơ quan BHXH vướng mắc trong việc tiếp nhận hồ sơ điện tử; các dữ liệu này chưa được liên thông, chia sẻ với cơ quan BHXH nên cơ quan BHXH khó khăn trong việc nhập lại dữ liệu giải quyết để chi trả; (iii) dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh chưa được người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện ký số đối với từng thành phần hồ sơ cấp cho người lao động do đó chưa đảm bảo giá trị pháp lý để cơ quan BHXH sử dụng và thực hiện giảm thành phần hồ sơ cho người lao động trong các TTHC.

2. Tại Hội nghị, các đại biểu đã phân tích, đề xuất các giải pháp để triển khai có hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ cải cải thủ tục hành chính đến cuối năm 2023 và thời gian tiếp theo, như: các bộ, ngành phải kịp thời công bố các thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần để các địa phương áp dụng thống nhất trong toàn quốc; tiếp tục nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, giấy tờ giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở tận dụng tối đa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành; kết nối, chia sẻ thông tin của các bộ ngành với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của địa phương; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương trong công tác cải cách thủ tục hành chính, các nghiệp vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, số hóa thủ tục hành chính và ứng dụng dữ liệu dân cư trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đơn vị, địa phương: (i) nắm vững nhiệm vụ để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền phân công hợp lý cán bộ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo chất lượng, hiệu quả; phân tích tình hình, kết quả đạt được để phát hiện các “điểm nghẽn” để đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời; (ii) tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; (iii) quan tâm đầu tư hạ tâng công nghệ, kỹ thuật phần mềm theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa đáp ứng yêu cầu công tác, vừa đảm bảo đồng bộ, hiện đại cao, bảo mật, chống lãng phí; (iv) Rà soát, phân loại đội ngũ cán bộ (nhóm kỹ sư, chuyên gia về công nghệ thông tin và nhóm cán bộ thụ hưởng) để đào tạo, phân công công tác hợp lý; (v) tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền với hình thức, phương pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn đặc thù để người dân hiểu được những lợi ích mà công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số mang lại, từ đó giúp người dân tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo chủ trương của Chính phủ./.