Tin tức XNC Việt Nam

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN CHUYÊN SÂU LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ CỦA LUẬT XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM VÀ LUẬT NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, QUÁ CẢNH, CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM (LUẬT SỐ 23)

Ngày 28/9/2023, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Quản lý xuất nhập cảnh tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu Luật số 23 và thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh tại hội trường Bộ Công an 44 Yết Kiêu, Hà Nội.

Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công; Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, chủ trì hội nghị. Cùng dự tại điểm cầu trực tuyến 63 Công an địa phương có đại diện Ban giám đốc; đại diện các đơn vị chức năng của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Đồng chí Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng,

 Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Hội nghị được thực hiện bằng hình thức trực tuyến từ hội trường Trung tâm thông tin chỉ huy Bộ Công an đến 63 điểm cầu Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; diễn ra từ ngày 28 đến 29/9/2023.

Phát biểu khai mạc, quán triệt chỉ đạo hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Lương Tam Quang đã hệ thống một số kết quả bước đầu triển khai Luật số 23 nêu rõ: So với các lần sửa đổi, bổ sung trước đây, Luật số 23 có những chính sách mang tính “đột phá” trong công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý cư trú người nước ngoài. Sau gần 45 ngày triển khai đã có những tác động tích cực ngày càng rõ nét, cụ thể: Số lượng hồ sơ người nước ngoài đề nghị xin cấp thị thực điện tử (e-visa) tăng 32%, trong đó số công dân các nước mới được áp dụng cấp e-visa chiếm khoảng 23% và tăng dần theo từng ngày. Đến nay, đã có gần 2,2 triệu lượt người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn

Việc bỏ quy định hộ chiếu còn hạn từ 6 tháng trở lên mới được xuất cảnh đã tạo điều kiện thông thoáng cho công dân xuất cảnh, đã có gần 1.200 trường hợp xuất cảnh. Việc thực hiện các thủ tục về quản lý xuất, nhập cảnh trên môi trường điện tử đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và nhanh chóng (tỷ lệ NNN nộp hồ sơ trực tuyến xét duyệt nhập cảnh là 90,3%, hồ sơ cấp thị thực, gia hạn tạm trú là 16,95%; hồ sơ công dân Việt Nam đề nghị cấp hộ chiếu điện tử chiếm hơn 90%). Có hơn 15.000 công dân, người nước ngoài đăng ký sử dụng dịch vụ Cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động (Autogate).

Để thống nhất nhận thức về tác dụng, tầm quan trọng, quyết liệt trong tổ chức triển khai sâu rộng, có hiệu quả Luật số 23, đồng chí Thứ trưởng Lương Tam Quang đề nghị các báo cáo viên và đại biểu dự hội nghị cần phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, làm việc khẩn trương, nghiêm túc hoàn thành 5 chuyên để theo chương trình đề ra. Trong đó, cần tập trung quán triệt những điểm mới của Luật số 23 và những nội dung lưu ý khi triển khai; hướng dẫn cụ thể trình tự, trách  nhiệm của Công an các cấp trong công tác quản lý cư trú người nước ngoài, những vấn đề cần lưu ý trong phân công thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết cấp giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Chính sách mới của Luật số 23 có liên quan đến quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước và hướng dẫn Công an xã thực hiện quy trình thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh…

Đồng chí Thứ trưởng Lương Tam Quang đề nghị sau Hội nghị, Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Luật số 23 và việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh; rà soát, thống kê, lập danh mục văn bản cần sửa đổi, bổ sung để tham mưu ban hành mới hoặc bãi bỏ. Tập trung hoàn chỉnh hệ thống đường truyền, hệ thống thông tin quản lý xuất nhập cảnh từ Bộ đến các địa phương, đáp ứng giải quyết thủ tục hành chính, triển khai quy định mới của Luật số 23. Phát huy cao độ vai trò đơn vị chủ trì trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài.

Đồng chí Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng  quán triệt các nội dung cơ bản

của Luật số 23 và các văn bản quy định biện pháp thi hành

Công an các địa phương tập trung tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ theo Quyết định số 947 ngày 12/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Luật số 23; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và thực hiện dịch vụ công trực tuyến đến các cơ quan, đoàn thể, nhân dân trên địa bàn; có các biện pháp tập huấn, hướng dẫn để cán bộ, chiến sĩ nhất là những đồng chí trực tiếp làm công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú của người nước ngoài nắm vững, nắm chắc quy định của luật, triển khai thực hiện đúng, thống nhất. Đi đôi với tạo thuận lợi xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài, cần chủ động, quyết liệt xây dựng, triển khai các phương án phòng ngừa, phát hiện đối tượng lợi dụng chính sách thông thoáng về xuất nhập cảnh để hoạt động vi phạm pháp luật.

Hiện nay công tác quản lý xuất nhập cảnh và quản lý NNN đã được phân cấp rất mạnh đến Công an các địa phương, đề nghị Giám đốc, Phó Giám đốc Công an các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm; quán xuyến, đôn đốc, tập trung chỉ đạo toàn diện, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ về chất lượng, hiệu quả triển khai Luật số 23 ở địa phương.

Bên cạnh đó, Luật số 23 đã bổ sung việc thực hiện các thủ tục liên quan đến đề nghị cấp, trình báo mất, khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông; cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam và khai báo tạm trú cho người nước ngoài trên môi trường điện tử để bảo đảm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện Quyết định số 430 ngày 26/1/2023 của Bộ Công an phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Việc nắm vững các quy định để hướng dẫn, giải thích và triển khai Luật góp phần thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, vừa tạo điều kiện cho công dân Việt Nam, người nước ngoài xuất nhập cảnh, vừa là công cụ đắc lực giúp cho việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh thuận lợi, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Tại hội nghị, đồng chí Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã quán triệt các nội dung cơ bản của Luật số 23 và các văn bản quy định biện pháp thi hành; đồng chí Đại tá Phạm Thị Ngọc Mỹ, Trưởng phòng quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trình bày hướng dẫn công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước và một số vấn đề cần lưu ý quán triệt thực hiện; đồng chí Thượng tá Lê Thị Thanh Huyền, Phó trưởng phòng quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trình bày nội dung Hướng dẫn thực quy trình quản lý nhà nước về cư trú và hoạt động liên quan đến ANTT của NNN thuộc phạm vi cấp tỉnh; những điểm mới về phân cấp tiếp nhận, giải quyết cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam.

Tại Hội nghị, các đại biểu và các đầu cầu Công an các địa phương được nghe giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật số 23 và thực hiện dịch vụ công trực tuyến của lực lượng xuất nhập cảnh công an các đơn vị địa phương do đồng chí Đại tá Nguyễn Bá Tuấn, Phó Cục trưởng trình bày.

Đồng chí Đại tá Nguyễn Bá Tuấn, Phó Cục trưởng giải đáp những khó khăn,

thắc mắc của Công an các đơn vị địa phương trong quá trình thực hiện dịch vụ công

Sau thời gian 1,5 ngày Hội nghị đã đạt được mục đích yêu cầu để ra, đã quán triệt nội dung cơ bản của Luật số 23 và các văn bản quy định biện pháp thi hành và thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho lãnh đạo chủ chốt, cán bộ lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật xuất nhập cảnh; kỹ năng giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh; kịp thời hướng dẫn giải đáp khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị địa phương.

Luật số 23 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 ngày 24/6/2023 với số phiếu tán thành cao (96%) và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023. Luật số 23 đã sửa đổi, bổ sung 15 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 và 10 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), bao gồm 4 nhóm gồm: Nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam trên môi trường điện tử; nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam và nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội./.

Bùi Nhung – Tuyên truyền