Tin tức XNC Việt Nam

HỘI NGHỊ CÁN BỘ QUẢN LÝ TRẠI GIAM KHU VỰC CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG (APCCA) LẦN THỨ 41, NĂM 2023 TẠI VIỆT NAM

I. TỔNG QUAN VỀ APCCA

1. Mục tiêu nhiệm vụ

Mục đích của Hội nghị cán bộ quản lý trại giam khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APCCA) tăng cường hợp tác, trao đổi, chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm để áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn công tác quản lý trại giam của mỗi quốc gia, như các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, việc can thiệp từ bên ngoài của các tổ chức hoạt động nhân quyền… có ảnh hưởng đến an ninh, an toàn công tác quản lý trại giam. Hội nghị còn là diễn đàn để các nước tham gia chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trên nhiều lĩnh vực và cũng là cơ hội để mở rộng quan hệ, giao lưu văn hóa, hiểu biết nhau hơn.

2. Lịch sử hình thành

- APCCA được diễn ra lần đầu tiên năm 1980 dựa trên sáng kiến của Viện tội phạm học Úc và Cục trưởng Cục trại giam Hồng Kông. Ngay từ những ngày mới thành lập, các Hội nghị APCCA đều có Điều phối viên, là       người có chuyên môn sau, rộng về lĩnh vực quản lý trại giam và tội phạm học để giúp nước đăng cai tổ chức Hội nghị, trợ giúp chủ tọa trong các phiên họp, điều phối các vấn đề trong các phiên thảo luận và những vấn đề liên quan khác.

- APCCA có 34 Cơ quan quản lý giam giữ thành viên chính thức ở 25 Quốc gia trong khu vực là: Úc (8 Cục trại giam bang và vùng lãnh thổ), Brunei, Bangladesh, Campuchia, Canada, Trung Quốc (Đại lục, Hồng Kông, Ma Cao), Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Kiribati, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Nauru, New Zealand, Papua New Guinea, Philippines, Singapore, Quần đảo Solomon, Sri Lanka, Thái Lan, Tonga, Vanuatu, Việt Nam và một số thành viên chưa chính thức, như: Myanmar, Pakistan, Maldives, Lào, Triều Tiên… Quốc gia nào chấp nhận Bản tuyên bố chung của APCCA bằng việc ký vào danh sách ủy quyền cho Ban Thư ký APCCA thì Bản tuyên bố chung có hiệu lực đối với quốc gia đó vào ngày mà họ ký kết.

- Đến nay, APCCA đã tổ chức thành công 40 kỳ Hội nghị ở các nước khác nhau trong khu vực: Úc (05 lần), Malaysia (04 lần), Hồng Kông (03 lần), New Zealand (03 lần), Trung Quốc (03 lần), Hàn Quốc (02 lần), Nhật Bản (03 lần), Thái Lan (03 lần), Canada (03 lần), Ấn Độ (02 lần), Singapore (02 lần), Indonesia (01 lần), Figi (02 lần), Tonga (01 lần), Mông Cổ (01 lần), Brunei (01 lần), Việt Nam (01 lần, năm 2007).

- Những biểu tượng truyền thống của Hội nghị APCCA gồm: Cây đèn dầu Ấn Độ tượng trưng cho học bấn và sự khai sáng; cán cân công lý tượng trưng cho sự nghiêm minh và công bằng; Súng Fiji tượng trưng cho hòa bình, bình yên cuộc sống (Súng gắn liền với chiến tranh, giao nộp gậy thể hiện việc chấm dứt xung đột); Cờ của Hội nghị do Cục Trại giam Hàn Quốc thiết kế, tượng trưng cho sự hợp tác và đoàn kết giữa các nước trong Khu vực, cũng như sự trường tồn và sức mạnh vĩnh cửu của APCCA; Bài hát APCCA do Cục Trại giam Malaysia sáng tác, thể hiện sức mạnh của APCCA.

- Việc đăng ký tham dự Hội nghị không rộng rãi cho tất cả các quốc gia trong khu vực, Nước chủ nhà có quyền lựa chọn những đại biểu được mời và theo truyền thống của APCCA nước chủ nhà luôn thể hiện sự hiếu khách, sẵn sàng hỗ trợ hậu cần, lễ tân và địa diểm tổ chức Hội nghị cho phù hợp với đặc thù các quốc gia tham dự, nhất là về ẩm thực và truyền thống văn hóa.

- APCCA đã thông qua một số biểu tượng thể hiện các giá trị và truyền thống lâu dài của tổ chức. Các biểu tượng được góp tặng bởi Fuji, Ấn Độ, Hàn Quốc và Malaysia.

- Khẩu súng Fiji, Răng cá voi, Cán cân và Sách: Tượng trưng cho sự kết thúc xung đột và đại diện cho hòa bình, hòa giải, văn minh và hòa hợp. Răng cá voi là một vật phẩm có ý nghĩa to lớn và đại diện cho vùng đất, con người và truyền thống của họ. Đây là công cụ để tìm đến hòa bình giữa mọi người.

- Đèn dầu Ấn Độ: Là một món quà từ Ấn Độ. Nó biểu thị cho học vấn và sự khai sáng. Trong bối cảnh của APCCA, Đèn dầu Ấn Độ tỏa sáng con đường chia sẻ ý tưởng và thực tiễn tốt nhất trong công tác trại giam giữa các thành viên APCCA.

- Cờ APCCA: Được thiết kế bởi Cục Trại giam Hàn Quốc vào năm 2005, tượng trưng cho hợp tác và đoàn kết giữa các nước trong khu vực, cũng như sự trường tồn và sức mạnh vĩnh cửu của APCCA.

Các biểu tượng của Hội nghị cán bộ quản lý trại giam

khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APCCA)

Bài hát APCCA “Chung tay đoàn kết” được sáng tác bởi Cục Trại giam Malaysia vào năm 2008. Lời bài hát thể hiện sức mạnh của APCCA - nơi tỉnh hữu nghị, tri thức được chia sẻ hàng năm và cách các quốc gia thành viên có thể giúp nhau làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Bài hát APCCA được thể hiện trong Lễ khai mạc và bế mạc của Hội nghị.

- Các quốc gia thành viên chính thức được quyền luân phiên đăng cai tổ chức hội nghị, chủ động mời đại biểu các nước, các khách mời, quan sát viên, Điều phối viên tham dự và được hỗ trợ một phần kinh phí đi lại cho Điều phối viên từ quỹ APCCA, các chi phí khác cho việc tổ chức đăng cai Hội nghị do nước chủ nhà dài thọ. Các đoàn đại biểu, khách mời tự túc chi phí ăn ở, đi lại, ngoại trừ Điều phối viên được nước chủ nhà dài thọ. Nước chủ nhà có cơ hội được thể hiện lòng hiếu khách và trọng thị dành cho khách quốc tế thông qua công tác lễ tân, đón tiếp, tháp tùng, hướng dẫn, trợ giúp, sắp xếp phương tiện di chuyển trong suốt thời gian tổ chức hội nghị... Điều này thể hiện sự gắn bó và hợp tác, tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia.

- Để góp phần vào thành công của Hội nghị, bên cạnh lòng hiếu khách của nước chủ nhà, nội dung và các Chuyên đề hội thảo của Hội nghị đóng một vai trò hết sức quan trọng. Việc chọn tên các Chuyển đề, hội thảo của Hội nghị năm tiếp theo do các thành viên Ban điều hành cùng Điều phối viên hội nghị thống nhất và công bố tới các đại biểu trong phiên họp toàn thể của hội nghị. Căn cứ vào đó, Điều phối viên gửi nước chủ nhà và các nước thành viên một bản hướng dẫn tham luận hội nghị theo một mẫu thống nhất. Các nước tham gia Hội nghị được yêu cầu trình bày Báo cáo quốc gia về công tác quản lý trại giam của nước mình trước Hội nghị, các Chuyên đề và Hội thảo khác thì các nước có thể đăng ký trực tiếp với Ban tổ chức để trình bày. Tuy nhiên, các nước phải gửi tham luận về các Hội thảo, Chuyên đề cho nước chủ nhà trước khi diễn ra Hội nghị khoảng 2-3 tháng để Ban tổ chức Hội nghị gửi cho Ban thư ký và Điều phối viên chuẩn bị bố trí người hỗ trợ điều hành Hội thảo và chuẩn bị dự thảo báo cáo tại Hội nghị. Trong thời gian Hội nghị, các đại biểu thăm quan trại giam, các danh lam thắng cảnh của nước sở tại cũng như thưởng thức những món ăn đặc trưng thú vị, la, ý nghĩa trong các buổi chiêu đãi chính thức và dã ngoại. Ngoài ra, Hội nghị còn có chương trình dành riêng cho phu nhân, phu quân và những người đi cùng đại biểu. Bản báo cáo chính thức của mỗi Hội nghị APCCA là kết quả của tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học và trí tuệ của toàn thể các nước thành viên mà Điều phối viên là những người khởi thảo, tổng hợp, phân tích và đánh giá, các nước thành viên bổ sung, tham gia, góp ý để chỉnh sửa cho phù hợp.

3. Công tác quản lý APCCA

Một giai đoạn quan trọng trong lịch sử APCCA là việc ký kết Bản Tuyên bố chung của tất cả các nước tham dự Hội nghị năm 2002 tại Bali, Indonesia. Sau đó một số nước cũng đã tham gia ký kết. Bản Tuyên bố chung, từ các ý kiến của Ban công tác, đã đặt nền tảng vững chắc hơn, rõ ràng hơn cho tương lai của APCCA và không làm mất đi các giá trị truyền thống tích cực và tốt đẹp vốn có. Những nội dung chính của Bản Tuyên bố chung bao gồm tuyên bố khái quát về mục đích của tổ chức này, việc thành lập một Ban điều hành (thay cho Ban cố vấn trước kia), việc thể chế hóa quỹ APCCA (gồm cả việc thành lập một Ban tài chính) và các điều khoản quy định vai trò của Ban thư ký và của Điều phối viên. Từ năm 2001, vai trò của Ban thư ký do Hồng Kông và Singapore đồng đảm nhiệm. Theo Bản Tuyên bố chung, cử hai năm một lần, Ban điều hành sẽ xem xét các công việc của Ban thư ký. Tại Hội nghị APCCA kỳ thứ 25 tại Hàn Quốc (2005) và kỳ thứ 27 tại Việt Nam (2007), Hội nghị đã đánh giá cao vai trò của Hồng Kông và Singapore và rất đồng tình đề nghị họ tiếp tục giữ vai trò Ban thư ký APCCA. Kể từ năm 2003, Giáo sư Neil Morgan và bà Irene Morgan đã giữ vai trò Điều phối viên và đồng Điều phối viên. Theo yêu cầu của Bản Tuyên bố chung, vai trò của họ đã được xem xét lại tại Hội nghị APCCA năm 2006 tại New Zealand và gia hạn việc bổ nhiệm trong 2 năm 2007 – 2008. Theo các điều khoản của Bản Tuyên bố chung, họ đã được tái đề cử, thông qua việc bổ nhiệm lại (giai đoạn 2009 - 2011) tại Hội nghị APCCA kỳ thứ 27 tại Việt Nam.

4. Tuyên bố chung của Hội nghị

Đại diện các Cơ quan Chính phủ và các cơ quan quản lý trại giam của các quốc gia: Úc, Brunei, Campuchia, Canada, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Tonga, Thái Lan và Việt Nam đã gặp nhau tại Bali, Indonesia vào ngày 18/10/2002:

- Truyền thống phát triển và giữ vững tình đoàn kết của các cán bộ trại giam cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương;

- Công nhận sự ủng hộ và tham gia của các cán bộ trại giam cấp cao từ các quốc gia, địa phận và vùng lãnh thổ có những điểm tương đồng về địa lý và đại diện cho một số lượng khá lớn dân số trên thế giới,

- Quan tâm về những vấn đề chung trong lĩnh vực quản lý trại giam trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và nhận thức được nhu cầu đẩy mạnh các mối quan hệ đã có và tăng cường hợp tác hơn nữa;

- Đánh giá xem xét sự khác nhau của các giai đoạn phát triển kinh tế, văn hóa và hệ thống chính trị xã hội trong khu vực;

- Ý thức được sự bình đẳng tin cậy và tôn trọng lẫn nhau là cơ sở để giao tiếp và hợp tác;

- Trên nguyên tắc bình đẳng tự nguyện và thống nhất quyền hạn luật pháp từng quốc gia, từng địa phận và khu vực lãnh thổ;

- Mong muốn đặt Hội nghị cán bộ quản lý trại giam khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở vị trí chính thức hơn và nâng lên tầm cao hơn;

- Mục đích của Hội nghị cán bộ quản lý trại giam khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm tạo ra một diễn đàn cho lãnh đạo cấp cao của nhà nước có trách nhiệm về lĩnh vực quản lý trại giam trong phạm vi khu vực châu Á – Thái Bình Dương trao đổi ý tưởng kinh nghiệm và các biện pháp thực hiện nghiệp vụ quản lý trại giam, phát triển mạng lưới nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác.

5. Một số thành tựu nổi bật

- Trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, APCCA đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như góp phần đưa khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở thành một khu vực, chính trị, an ninh, quốc phòng và tạo động lực phát triển và liên kết về an ninh, an toàn trên toàn cầu. Các quốc gia thành viên có diễn đàn hàng năm để chia sẻ các phương pháp, quy trình quản lý trại giam hiệu quả đã được áp dụng trong thực tiễn, giúp các quốc gia học hỏi và cải thiện công tác quản lý trại giam. Qua đó, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật đáp ứng yêu cầu giam giữ phạm nhân, cải thiện một số chính sách và tăng cường sự tham gia của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội trong công tác giáo dục cải tạo và quá trình tái hòa nhập cộng đồng đối với phạm nhân.

- Tại Hội nghị APCCA đầu tiên được tổ chức từ những năm 1980, các chủ đề chính được thảo luận tại Hội nghị về công tác quản lý trại giam tập trung vào những nội dung đảm bảo an toàn cơ sở giam giữ, các hình phạt đối với phạm nhân. Tuy nhiên, sau nhiều Hội nghị, đại biểu các nước đã nhận thức tầm quan trọng của công tác giáo dục cải tạo đối với phạm nhân, công tác thi hành án tại cộng đồng và công tác tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân. Từ đó, các chủ đề đã tập trung nhiều hơn vào nội dung giáo dục cải tạo phạm nhân như tạo môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, nhân văn, các chương trình giáo dục đa dạng, phong phú để qua đó từng bước loại bỏ những tư tưởng mặc cảm, tiêu cực, chống đối để tập trung tích cực học tập, rèn luyện, yên tâm cải tạo tốt. Ngoài ra, tăng cường công tác thi hành án tại cộng đồng, giảm số lượng phạm nhân phạm những tội ít nghiêm trọng chấp hành án phạt tù để giải quyết vấn đề quá tải trong cơ sở giam giữ, đồng thời tạo điều kiện cho số đối tượng này yên tâm sinh sống, lao động và chấp hành hình phạt tại địa phương. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả trong công tác tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân nhằm định hướng, khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù.

- Các quốc gia có cơ hội hợp tác song phương, đa phương để giải quyết những thách thức chung trong công tác quản lý trại giam. Hợp tác phát triển về chính sách và các tiêu chuẩn nâng cao chất lượng quản lý và đảm bảo quyền của phạm nhân. Qua đó, nhiều nước đã cải thiện điều kiện giam giữ và bảo đảm tính công bằng trong công tác quản lý trại giam. Cá nhân cán bộ quản lý trại giam đã có môi trường đào tạo hiệu quả, học hỏi được những phương pháp, công cụ, công nghệ kỹ thuật tiên tiến, kiến thức cần thiết đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực, trình độ, hiểu biết và kỹ năng của từng thành viên tham gia. Từ đó, nâng cao chất lượng công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân.

II. CÔNG AN VIỆT NAM THAM GIA APCCA

1. Cảnh sát quản lý trại giam Việt Nam tham gia APCCA

- Cục Quản lý trại giam Việt Nam (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an Việt Nam) tham dự Hội nghị lần đầu tiên vào năm 1991 tại Trung Quốc và hiện nay là thành viên chính thức của Hội nghị APCCA. Năm 2007, Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội ngh APCCA kỳ thứ 27 tại Hà Nội, gây được tiếng vang và để lại ấn tượng sâu sắc tron lòng bạn bè quốc tế.

Tính đến nay, Việt Nam đã tham dự 27 kỳ Hội nghị APCCA, cụ thể: năm 1991 tại Trung Quốc, năm 1995 tại Nhật Bản, năm 1996 tại New Zealand, năm 1997 tại Malaysia, năm 1998 tại Canada, năm 1999 tại Trung Quốc, năm 2000 tại Úc, năm 2001 tại Thái Lan, năm 2002 tại Indonesia, năm 2003 tại Hồng Kông, năm 2004 tại Singapore, năm 2005 tại Hàn Quốc, năm 2006 tại Hàn Quốc, năm 2007 Việt Nam là nước chủ nhà, năm 2008 tại Malaysia, năm 2009 tại Úc, năm 2010 tại Canada, năm 2011 tại Nhật Bản, năm 2012 tại Brunei, năm 2013 tại Ấn Độ, năm 2014 tại Canada, năm 2015 tại Thái Lan, năm 2016 tại Trung Quốc, năm 2017 tại Fiji năm 2018 tại Malaysia, năm 2019 tại Mông Cổ, do diễn biến tình hình Covid-19 diễn biến căng thẳng trên thế giới 02 năm không tổ chức, năm 2022 APCCA được tổ chức trực tuyến bởi nước chủ nhà Singapore.

2. Lý do, danh nghĩa tổ chức

- Hội nghị cán bộ quản lý trại giam khu vực châu Á - Thái Bình Dương là cơ chế họp thường niên và luân phiên của Cục trưởng Cục quản lý trại giam các nước trong khu vực từ năm 1980. Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích đánh giá hoạt động hợp tác giữa các nước trong khu vực cũng như những cách làm hay để nâng cao hiệu quả công tác quản lý trại giam, giáo dục, cải tạo phạm nhân nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn phù hợp với xu thế phát triển.

- Lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam Việt Nam trở thành thành viên của Hội nghị APCCA từ năm 1991 và tham gia hoạt động của tổ chức này với tinh thần trách nhiệm cao, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị lần đầu tiên vào năm 2007 với chủ đề: “Vì cuộc sống bình yên” diễn ra từ ngày 25-30/11/2007 tại Hà Nội, do Bộ Công an chủ trì, đã thể hiện được sự trọng thị, hiếu khách, thân thiện và được các đại biểu đánh giá, ghi nhận rất tích cực, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

- Theo cơ chế luân phiên và theo đề nghị của Ban Tổ chức, Việt Nam sẽ là nước đăng cai tổ chức Hội nghị APCCA lần thứ 41 năm 2023. Việc tổ chức nhằm thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của các nước thành viên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực quản lý trại giam, giáo dục cải tạo phạm nhân.

3. Mục đích tổ chức Hội nghị APCCA lần thứ 41

- Thể hiện sự tích cực, chủ động, trách nhiệm của Việt Nam với tư cách thành viên APCCA.

- Tạo điều kiện để các nước trong khu vực tăng cường đối thoại, hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý trại giam.

- Tạo ấn tượng tốt đẹp với các đoàn đại biểu tham dự, qua đó góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong tổ chức các Hội nghị mang tầm quốc tế và khu vực.

III. CHƯƠNG TRÌNH TỔ CHỨC HỘI NGHỊ APCCA 41

1. Nội dung

- Hội nghị tập trung trao đổi về tình hình công tác quản lý trại giam hiện nay của các nước và một số chuyên đề công tác tại trại giam đã được Hội nghị năm trước lựa chọn cho các nước báo cáo tại Hội nghị; liên quan đến các vấn đề tình hình công tác quản lý trại giam; những cách làm hay, sáng tạo để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với phạm nhân; vấn đề tái hòa nhập cộng đồng.

- Các chuyên đề tập trung vào các nội dung: (1) Đánh giá khái quát tình hình công tác quản lý trại giam của các nước; (2) Những khó khăn thách thức và giải pháp trong công tác trại giam; (3) Các biện pháp quản lý, giáo dục người phạm tội chấp hành án ở các trại giam Việt Nam và các nước; (4) Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác quản lý trại giam và cái tạo phạm nhân; (5) Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với phạm nhân; sự tham gia của các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội trong vấn đề tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành án phạt tù; (6) Hội nghị trao đổi và học hỏi kinh nghiệm tại trại giam Quảng Ninh (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) và tham quan danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh); (7) Hội nghị tham quan công tác quản lý giam giữ phạm nhân tại trại giam Thanh Xuân (huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội); (8) Hội nghị tham quan một số danh lam thắng cảnh của Thủ đô Hà Nội và  số địa phương của Việt Nam.

2. Những kỳ vọng của Việt Nam

- Việt Nam luôn là một trong những thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội nghị APCCA. Tại Hội nghị APCCA lần thứ 39 tại Mông Cổ và lần thứ 40. tổ chức trực tuyến tại Singapore, các nước thành viên đã nhất trí ủng hộ Việt Nam tổ chức APCCA 41 năm 2023. Điều này thể hiện sự tin cậy và tín nhiệm cao của các nước thành viên với Công an Việt Nam.

- Với thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao sau hơn 30 năm đổi mới và kinh nghiệm tổ chức thành công năm 2007, việc một lần nữa đăng cai tổ chức Hội nghị APCCA 41 là đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với Diễn đàn nhằm thúc đẩy quan tâm chung trong bối cảnh mới. APCCA 41 còn có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 35 năm Việt Nam trở thành thành viên của Hội nghị APCCA (1991-2025).

- APCCA 41 khẳng định quyết tâm của Công an Việt Nam tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện.

Việc tổ chức Hội nghị APCCA 41 còn giúp nước ta có thêm những cơ hội mới để tranh thủ nhiều hơn sự ủng hộ và hỗ trợ của các nước thành viên APCCA phục vụ việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 12-NQ TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Với chủ trương nâng tầm đổi ngoại đa phương của Đại hội Đảng lần thủ XIII, với ý nghĩa đó, Công an Việt Nam có bốn kỳ vọng lớn:

(1) Công an Việt Nam có thể đóng góp thiết thực vào sự phát triển của tiến trình APCCA, làm cho hợp tác APCCA thực chất và có hiệu quả hơn. Trước những thách thức đan xen đối với phát triển, APCCA cần tìm kiếm động lực mới thúc đẩy phát triển bền vững và làm sâu rộng liên kết, kết nối khu vực.

(2) Kết quả hoạt động của APCCA tiếp tục nâng cao vị thế của APCCA là diễn đàn hợp tác trong lĩnh vực quản lý trại giam và tài hòa nhập cộng đồng cho những người chấp hành xong án phạt tử, hình thành liên kết khu vực sâu rộng hơn cũng như thúc đẩy xu thể hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

(3) Thông qua APCCA 41 để tăng cường tình hữu nghị, hợp tác trong lĩnh vực quản lý trại giam, cải thiện môi trường giam giữ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cải tạo và lao động, dạy nghề cho phạm nhân, gắn kết và làm sâu sắc quan hệ đối tác với các nước thành viên.

(4) Quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh đất nước con người Việt Nam mến khách, thân thiện, đổi mới, năng động, giàu tiềm năng và tích cực hội nhập; mang lại những cơ hội phát triển, quảng bá, giao lưu cho các vùng miền, địa phương và người dân. Các bộ, ngành, địa phương và người dân Việt Nam có thêm điều kiện học hỏi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và hiểu biết về APCCA.

3. Ý nghĩa của chủ đề APCCA 41 tại Việt Năm 2023

Chủ đề của APCCA 41 Việt Nam 2023 là “Tạo dựng giá trị nhân văn, niềm tin và đoàn kết trong công tác trại giam". Đề xuất của Việt Nam nhận được sự ủng hộ của tất cả các thành viên, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia hàng đầu khu vực. Ý nghĩa chủ đề thể hiện trên ba khía cạnh:

Thứ nhất, phản ánh sự quan tâm chung của các nước thành viên APCCA về “Tạo dựng niềm tin” cho hợp tác, hội nhập, liên kết về đảm bảo an ninh, an toàn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ hai, thể hiện mẫu số chung, mục tiêu dài hạn của APCCA và châu Á - Thái Bình Dương về “Đoàn kết, phát triển", đó là sự đoàn kết, hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Thứ ba, thể hiện kỳ vọng về những phát triển mới của APCCA trong năm 2023, xây dựng phát triển con người mới hướng tới giá trị nhân văn góp phần khẳng định vị thế của APCCA trong cục diện mới.

Logo của Hội nghị cán bộ quản lý trại giam khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APCCA) lần thứ 41, năm 2023 tại Việt Nam

4. Đóng góp của người dân vào thành công APCCA 41 tại Việt Nam

Năm 2023, Việt Nam sẽ đón tiếp, gặp gỡ gần ba trăm đại biểu, doanh nghiệp, phóng viên từ các thành viên APCCA. Đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm của người dân. Để góp phần vào thành công APCCA 41, mỗi người dân cần:

- Ứng xử văn minh, chào đón hoà nhã, thân thiện.

- Gìn giữ môi trường, cảnh quan sạch đẹp để giúp bạn bè quốc tế cảm nhận được những nét đẹp của nền văn hiến và con người Việt Nam.

Đây cũng chính là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập của nước ta trong giai đoạn phát triển mở./.

HỢP TÁC QUỐC TẾ