Tin tức XNC Việt Nam

KẾT QUẢ VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA LỰC LƯỢNG QLXNC TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH LUẬT SĐ, BS MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XC, NC CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM VÀ LUẬT NC, XC, QC, CT CỦA NNN TẠI VIỆT NAM

1. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 (sau đây gọi chung là Luật số 23). Luật số 23 được xây dựng nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng có liên quan đến lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh; đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện cải cách thủ tục hành chính, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh; tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phân định trách nhiệm của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao trong công tác chủ trì đề xuất đàm phán ký kết điều ước quốc tế về nhận trở lại công dân không được nước ngoài cho cư trú; đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an… Luật số 23 sửa đổi, bổ sung 15 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và 10 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), gồm 4 nhóm nội dung: (1) nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam trên môi trường điện tử; (2) nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; (3) nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; (4) nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Ngay sau khi Luật số 23 được Quốc hội thông qua, Bộ Công an đã kịp thời ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền; phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định biện pháp thi hành Luật đảm bảo có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023 (thời điểm Luật số 23 có hiệu lực). Cụ thể: Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 14/8/2023 về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử; phối hợp Bộ Ngoại giao báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 14/8/2023 về việc sửa đổi Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 của Chính phủ về việc miễn thị thực cho công dân 13 nước với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh; Thông tư số 22/2023/TT-BCA ngày 30/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số mẫu giấy tờ ban hành kèm theo Thông tư số 04/2015/TT-BCA ngày 05/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 57/2020/TT-BCA ngày 10/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an; Thông tư số 31/2023/TT-BCA ngày 20/7/2023 quy định về mẫu hộ chiếu, mẫu giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan; Thông tư số 62/2023/TT-BTC ngày 03/10/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25/2021/TT-BTC ngày 07/4/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Song song với công tác xây dựng văn bản, công tác phổ biến, quán triệt thi hành Luật số 23 được tăng cường, đẩy mạnh trong toàn lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh nói riêng. Tại các buổi tập huấn, đại biểu đã phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, làm việc khẩn trương, nghiêm túc hoàn thành các nhiệm vụ theo Chương trình đề ra. Các khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật số 23 đã được Ban Tổ chức giải đáp, hướng dẫn đúng quy định của pháp luật, đảm bảo các yêu cầu về chính trị, đối ngoại và nghiệp vụ. Bên cạnh đó, để các chính sách pháp luật mới về lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân; tổ chức kinh tế - xã hội; các cơ quan đại diện nước ngoài và tổ chức kinh tế, quốc tế đặt tại Việt Nam, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp với Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Công an nhân dân xây dựng phóng sự về những điểm mới của Luật số 23 và những tiện ích của Cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động; tổ chức họp báo thông báo kết quả triển khai thi hành Luật.

Sau 15 ngày kể từ ngày Luật số 23 có hiệu lực, lưu lượng người nước ngoài nhập xuất cảnh và công dân Việt Nam xuất nhập cảnh chưa tăng đột biến. Tuy nhiên, lượng hồ sơ đề nghị cấp thị thực điện tử gia tăng đáng kể so với trước ngày 15/8/2023. Tính đến ngày 29/8/2023, Cổng dịch vụ công Bộ Công an và Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã tiếp nhận hơn 100.000 hồ sơ, tăng trên 70% so với thời điểm trước ngày 15/8/2023; số lượng người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực gần 400.000 lượt, chiếm 70% tổng lưu lượng nhập cảnh; tỷ lệ cấp hộ chiếu phổ thông qua dịch vụ công trực tuyến đạt 89,1%... Bên cạnh đó, việc triển khai Cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động (Autogate) tính đến ngày 29/8/2023, đã có hơn 700.000 trường hợp đủ điều kiện sử dụng dịch vụ Autogate: (1) Công dân Việt Nam có hộ chiếu phổ thông được sử dụng Autogate để nhập cảnh; công dân Việt Nam có hộ chiếu ngoại giao, công vụ, thẻ ABTC, thành viên tổ bay được sử dụng Autogate để xuất cảnh; (2) Người nước ngoài có thẻ tạm trú, thường trú được sử dụng Autogate để xuất cảnh (người nước ngoài không sử dụng Autogate để nhập cảnh). Hệ thống Autogate bước đầu đã đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục kiểm soát xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam, người nước ngoài được nhanh chóng thuận lợi, nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Sau 45 ngày triển khai thi hành Luật số 23, những chính sách mới quy định của Luật số 23 đã có tác động tích cực, ngày càng rõ nét; là bước đột phá quan trọng trong công tác cải cách hành chính của Chính phủ nói chung, của Bộ Công an nói riêng; tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho công dân Việt Nam và người nước ngoài trong quá trình làm thủ tục xuất nhập cảnh, thu hút khách quốc tế, lao động và du lịch tại Việt Nam. Số lượng hồ sơ người nước ngoài đề nghị xin cấp thị thực điện tử tăng 32%, trong đó, số công dân các nước mới được áp dụng cấp e-visa chiếm khoảng 23% và tăng dần theo từng ngày. Đã có gần 2,2 triệu lượt người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2022 (theo dữ liệu Agoda công bố vào ngày 20/9/2023, Việt Nam đứng đầu danh sách điểm đến được du khách Châu Á-Thái Bình Dương ưu tiên); gần 2.000 trường hợp đã được giải quyết xuất cảnh khi hộ chiếu còn thời hạn dưới 06 tháng (theo quy định trước đây số công dân này không đủ điều kiện xuất cảnh). Việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và nhanh chóng (tỷ lệ người nước ngoài nộp hồ sơ trực tuyến xét duyệt nhập cảnh là 90,3%; hồ sơ cấp thị thực, gia hạn tạm trú là 16,95%; hồ sơ công dân Việt Nam đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử chiếm hơn 90%); hơn 15.000 công dân, người nước ngoài đăng ký sử dụng dịch vụ Autogate. Tình hình an ninh, trật tự trên lĩnh vực xuất nhập cảnh cơ bản ổn định, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép giảm 43% so với cùng kỳ năm 2022 với gần 5.000 trường hợp được phát hiện và xử lý.

Những kết quả bước đầu đã khẳng định, công tác tham mưu, đề xuất Quốc hội ban hành và thông qua Luật số 23 của Bộ Công an đảm bảo đi đúng hướng, đúng thời điểm; phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự-an toàn xã hội và định hướng phát triển du lịch và mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.

2. Luật số 23 với nhiều quy định thông thoáng tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam sẽ đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức với công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Để đảm bảo yêu cầu vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, thời gian tới lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thi hành Luật số 23 và các văn bản quy định biện pháp thi hành đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, từ đó nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, người nước ngoài; tiếp tục tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 947/QĐ-TTg ngày 12/8/2023.

Hai là, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, vừa chủ động, quyết liệt phòng ngừa, phát hiện các đối tượng lợi dụng chính sách thông thoáng về xuất nhập cảnh để hoạt động vi phạm pháp luật.

- Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì, phối hợp với công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý cư trú của người nước ngoài; thực hiện nghiêm túc việc phân cấp cho công an các địa phương trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của người nước ngoài tại Việt Nam; tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.

- Công an các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để nắm thông tin, tình hình đối với hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam; triển khai thực hiện “Quy trình công tác quản lý nhà nước về cư trú và hoạt động liên quan đến an ninh quốc gia của người nước ngoài thuộc phạm vi cấp tỉnh”; hướng dẫn cụ thể công tác quản lý người nước ngoài từ công an cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã để thực hiện công tác quản lý người nước ngoài đảm bảo chặt chẽ; kịp thời tổng hợp tình hình, số liệu đảm bảo chính xác phục vụ yêu cầu công tác.

Ba là, tiếp tục triển khai có hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an theo Quyết định số 430/QĐ-BCA ngày 26/01/2023 của Bộ về phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

- Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì, phối hợp Công an các đơn vị, địa phương tập trung nguồn lực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, hệ thống kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin đáp ứng yêu cầu cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh đã được lãnh đạo bộ phê duyệt. Trước mắt, (1) phối hợp với các đơn vị chức năng báo cáo lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế: Quyết định số 430/QĐ-BCA ngày 26/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an; Quyết định số 2290/QĐ-BCA ngày 04/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử; Quyết định số 3733/QĐ-BCA ngày 31/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành quy trình xác minh nội bộ đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an. (2) Khẩn trương phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án “Nâng cấp hệ thống thông tin xuất nhập cảnh đáp ứng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4” trong tháng 11/2023. (3) Thực hiện khai thác 17 trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh.

- Công an các địa phương: (1) thực hiện nghiêm túc, đúng quy định tại Quyết định số 3733/QĐ-BCA ngày 31/5/2023 của Bộ Công an; Thông tư số 22/2023/TT-BCA ngày 30/6/2023 và Thông tư số 31/2023/TT-BCA ngày 20/7/2023 của Bộ (khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết giấy tờ xuất nhập cảnh không yêu cầu công dân phải lấy xác nhận của Công an cấp xã về nhân thân, thân nhân và thông tin cư trú). (2) Rà soát, tận dụng tối đa cơ sở vật chất (máy tính, máy in, …) đã có để phục vụ triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an cấp tỉnh, huyện, xã; trước mắt, chủ động cân đối dự toán đã được giao hoặc đề nghị ngân sách địa phương hỗ trợ, đối với nhu cầu còn thiếu báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Bộ bổ sung.

Bốn là, thường xuyên sơ kết, tổng kết, nghiên cứu thực tiễn công tác triển khai thi hành pháp luật để phát hiện các vướng mắc, bất cập quy định pháp luật nhằm tham mưu cho Bộ, Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực xuất nhập cảnh; bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, hội nhập quốc tế. Trước mắt, rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ tạo cơ sở pháp lý xử lý đối với những hành vi vi phạm mới được quy định tại Luật số 23, như: hành vi cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không chấp hành việc sử dụng lao động là người nước ngoài, tổ chức chương trình du lịch cho người nước ngoài; hành vi cho người nước ngoài tạm trú khi người nước ngoài cư trú không hợp pháp tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài mà không thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất… để đảm bảo chế tài xử lý đối với các hành vi này, qua đó nâng cao hiệu quả triển khai thi hành Luật./.