Tin tức XNC Việt Nam

Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Trong thời gian vừa qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị khóa XIII, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị có liên quan đến công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam như: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp luật Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 76/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, theo đó Quốc hội đã đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam… Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm mục đích thúc đẩy phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn (năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 32, 6% so với thời điểm năm 2019 – trước khi bùng phát dịch bệnh Covid 19). Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân Việt Nam xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt  Nam (sau đây gọi tắt là Luật) là cấp thiết trong tình hình hiện nay.

          Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã xây dựng hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật đảm bảo đúng quy trình, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngày 24/3/2023, Bộ Công an đã có Tờ trình số 147/TTr-BCA báo cáo Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án luật; tại Phiên họp Chuyên đề pháp luật năm tháng 3 năm 2023, Chính phủ đã Quyết nghị: “Thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu sửa đổi, bổ sung Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành 02 luật này; tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy cải cách hành chính, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tạo thuận lợi cho người dân, góp phần  thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của đất nước”.

          Chiều ngày 14/4/2023, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4 năm 2023, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét đề nghị xây dựng dự án Luật. Đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết dùng 01 luật để sửa 02 luật như tờ trình của Chính phủ; khẳng định đây là sự cố gắng lớn trong đổi mới công tác quản lý nhà nước của Chính phủ nói chung và của Bộ Công an nói riêng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, báo cáo, làm rõ những nội dung theo ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng, khắc phục khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần mở rộng cửa để hội nhập và phát triển đất nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội xem xét bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; cho ý kiến, thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo quy trình 1 kỳ họp với 04 chính sách lớn sau:

  Thứ nhất, về đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quy định cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trên môi trường điện tử.

 (1) Bãi bỏ quy định nộp kèm theo bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi; bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất và bổ sung quy định hình thức đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước trên môi trường điện tử.

(2) Bổ sung quy định hình thức trình báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử và phân cấp giải quyết thủ tục trình báo mất hộ chiếu phổ thông từ cấp Cục Quản lý xuất nhập cảnh về Công an cấp tỉnh, từ Công an cấp tỉnh về Công an cấp huyện, từ Công an cấp huyện về Công an cấp xã.

(3) Bổ sung quy định hình thức đề nghị khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử.

Thứ hai, về đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật.

(1) Bổ sung quy định thông tin về “nơi sinh” trên giấy tờ xuất nhập cảnh và bổ sung quy định thu thập thông tin “nơi sinh” vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

(2) Bổ sung quy định Phó Tùy viên Quốc phòng tại cơ quan đại diện ngoại giao, phái đoàn thường trực tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thuộc đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao.

(3) Sửa đổi, bổ sung quy định trình tự, thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài để đảm bảo phù hợp khi sửa đổi, bổ sung trình tự thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước.

(4) Sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng và trình tự, thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn.

(5) Bổ sung quy định hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu còn thời hạn bị mất hoặc đối với trường hợp đã quá 12 tháng kể từ ngày hẹn nhận kết quả đề nghị cấp hộ chiếu mà không đến nhận hộ chiếu.

(6) Quy định Bộ Công an chủ trì đề xuất đàm phán, ký kết các Điều ước quốc tế, Thỏa thuận quốc tế liên quan đến nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú.

Thứ ba, về đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam.

(1) Quy định thị thực điện tử (ký hiệu EV) có thời hạn không quá 03 tháng và có giá trị một lần hoặc nhiều lần.

(2) Quy định thực hiện chủ trương cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở có đi có lại, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

(3) Quy định người nước ngoài thuộc diện đơn phương miễn thị thực khi nhập cảnh được cấp tạm trú 45 ngày và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.

Thứ tư, về đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

(1) Quy định cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý người nước ngoài tạm trú.

(2) Quy định người nước ngoài có trách nhiệm cung cấp thông tin hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam để cơ sở lưu trú thực hiện khai báo tạm trú theo quy định.

(3) Quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân khác chỉ sử dụng lao động là người nước ngoài, tổ chức chương trình du lịch hoặc cho người nước ngoài tạm trú qua đêm khi người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm phải thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Để đảm bảo tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét, thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo trình tự, thủ tục rút gọn, thời gian tới, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, báo cáo Chính phủ xem xét, thông qua để trình Quốc hội. Sau khi được Chính phủ thông qua, sẽ phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 5 (dự kiến từ ngày 10 đến ngày 14/5/2023). Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công an sẽ hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV (tháng 5/2023)./.