Các câu hỏi thường gặp

CÁC CÂU HỎI LIÊN QUAN THÔNG TƯ SỐ 01/2014/TTLT/BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG

CÁC CÂU HỎI LIÊN QUAN THÔNG TƯ SỐ 01/2014/TTLT/BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG, NGÀY 10/02/2014 CỦA BỘ CÔNG AN, BỘ QUỐC PHÒNG, BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH – XÃ HỘI VÀ BỘ NGOẠI GIAO VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG XÁC MINH, XÁC ĐỊNH, TIẾP NHẬN VÀ TRAO TRẢ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN

Câu hỏi 1: Căn cứ để xác định là nạn nhân bị mua bán? Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người thân thích của nạn nhân?

 

Trả lời:

1. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 62/2012/NĐ-CP, ngày 13/8/2012 của Chính phủ Quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ, căn cứ để xác định nạn nhân bị mua bán được quy định như sau:

Một người được xác định là nạn nhân bị mua bán khi họ là đối tượng của một trong những hành vi sau đây:

a) Mua bán người: Coi người như một loại hàng hóa để trao đổi bằng tiền hoặc lợi ích vật chất khác;

b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để:

- Ép buộc bán dâm;

- Ép buộc làm đối tượng sản xuất băng hình, đĩa hình, sách, tranh, ảnh, lịch và những hình thức khác có nội dung tuyên truyền lối sống đồi trụy, khiêu dâm;

- Ép buộc biểu diễn cho người khác xem thân thể mình với mục đích kích động tình dục;

- Làm nô lệ tình dục;

- Cưỡng bức lao động;

- Lấy các bộ phận cơ thể một cách bất hợp pháp;

- Ép buộc đi ăn xin;

- Ép buộc làm vợ hoặc chồng;

- Ép buộc đẻ con trái ý muốn của họ;

- Ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

- Vì mục đích vô nhân đạo khác.

c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để thực hiện các hành vi quy định tại các Điểm a, b hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

  1. Theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 62/2012/NĐ-CP, ngày 13/8/2012 của Chính phủ Quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và ảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ, nạn nhân, người thân thích của nạn nhân có quyền và nghĩa vụ như sau:
  1. Nạn nhân, người thân thích của họ có quyền:

- Đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ khi tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản bị xâm hại hoặc đe dọa bị xâm hại;

- Từ chối biện pháp bảo vệ cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng.

  1. Nạn nhân, người thân thích của họ có nghĩa vụ:

- Chấp hành đầy đủ các yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ khi được bảo vệ;

- Tự chịu trách nhiệm về an toàn của bản thân khi từ chối biện pháp bảo vệ hoặc không chấp hành đầy đủ các yêu cầu của cơ quan,  người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.

 

Câu hỏi 2: Nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài hoặc người biết việc ở nước ngoài có thể trình báo với cơ quan nào? Nạn nhân được hỗ trợ những gì? Trách nhiệm của người khai là nạn nhân hoặc người biết việc khi đến trình báo?

Trả lời:

          Theo khoản 1, Điều 4, Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT/BCA-BQP-BLĐTBXHN-BNG, ngày 10/02/2014 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao, hướng dẫn trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán:

          1. Nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài hoặc người biết việc có thể trình báo với Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài).

          2. Trường hợp nạn nhân đã được giải cứu được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, được cấp giấy thông hành để về nước nếu nạn nhân không có giấy tờ xuất nhập cảnh hợp lệ và được bố trí phương tiện để về nước.

  1. Trách nhiệm của người khai là nạn nhân hoặc người biết việc khi đến trình báo với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài:

- Cung cấp lời khai theo yêu cầu của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

- Xuất trình các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, giấy tờ xuất nhập cảnh Việt Nam và các tài liệu liên quan đến việc nạn nhân bị mua bán (nếu có).

 

Câu hỏi 3: Nạn nhân bị mua bán sau khi được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bố trí phương tiện đưa trở về nước sẽ được cơ quan nào tiếp nhận? trách nhiệm của nạn nhân? Nạn nhân được hỗ trợ những gì?

Trả lời:

          Theo Khoản 3 và 4, Điều 4, Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT/BCA-BQP-BLĐTBXHN-BNG, ngày 10/02/2014 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao, hướng dẫn trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán:

          1. Cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về:

- Trường hợp nạn nhân trở về qua cửa khẩu sân bay quốc tế: Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cửa khẩu nạn nhân trở về tiếp nhận nạn nhân.

-  Trường hợp nhận nạn nhân trở về qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển: Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, Đồn Biên phòng cửa khẩu, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cửa khẩu nạn nhân nhập cảnh sẽ phối hợp tiếp nhận nạn nhân.

2. Trách nhiệm của nạn nhân:

Nạn nhân có trách nhiệm kê khai vào Tờ khai dùng cho nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về (nếu trước đây chưa khai) và cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

3. Nạn nhân được hỗ trợ:

- Nạn nhân được cấp Giấy chứng nhận về nước làm cơ sở để được hưởng các hỗ trợ tiếp theo

- Nếu nạn nhân có nguyện vọng tự trở về nơi cư trú thì sẽ được hỗ trợ tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường. Trường hợp nạn nhân là trẻ em, người không có khả năng tự trở về địa phương nơi cư trú thì cơ quan chức năng sẽ thông báo cho người thân thích đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi người thân thích của nạn nhân cư trú. Trường hợp nạn nhân không có nơi cư trú hoặc có nguyện vọng lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nạn nhân là trẻ em không nơi nương tựa thì sẽ được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cửa khẩu hỗ trợ, giải quyết theo quy định của pháp luật;

 

Câu hỏi 4: Nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài tự trở về có thể trình báo với cơ quan nào? Trách nhiệm của người khai báo là nạn nhân? Được hỗ trợ những gì?

Trả lời:

Theo Điều 5, Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT/BCA-BQP-BLĐTBXHN-BNG, ngày 10/02/2014 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao, hướng dẫn trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán:

  1. Nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài tự trở về có thể đến trình báo với một trong các cơ quan sau: Đồn biên phòng hoặc cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương.
  2. Người khai là nạn nhân có trách nhiệm:

- Cung cấp lời khai theo yêu cầu của cơ quan chức năng

- Xuất trình các giấy tờ có liên quan đến nhân thân, quốc tịch và các thông tin tài liệu làm căn cứ xác định nạn nhân (nếu có).

  1. Người khai là nạn nhân tự đến trình báo sẽ được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu trong trường hợp cần thiết.

          Sau khi được cơ quan chức năng xác định là nạn nhân, nạn nhân sẽ được cấp Giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán và được đưa trở về nơi cư trú hoặc vào cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định.

 

Câu hỏi 5: Nạn nhân là công dân Việt Nam bị mua bán trong nước có thể tự đến trình báo với cơ quan nào? Trách nhiệm của người khai báo là nạn nhân? Được hỗ trợ những gì?

          Trả lời:

Theo Điều 6, Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT/BCA-BQP-BLĐTBXHN-BNG, ngày 10/02/2014 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao, hướng dẫn trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán:

  1. Nạn nhân là công dân Việt Nam bị mua bán trong nước có thể tự đến trình báo với Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã.
  2. Người khai là nạn nhân có trách nhiệm:

- Cung cấp lời khai theo yêu cầu của cơ quan chức năng

- Xuất trình các giấy tờ có liên quan đến nhân thân và các thông tin tài liệu làm căn cứ xác định nạn nhân (nếu có).

  1. Người khai là nạn nhân tự đến trình báo sẽ được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu trong trường hợp cần thiết.

          Sau khi được cơ quan chức năng xác định là nạn nhân, nạn nhân sẽ được cấp Giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán và được đưa trở về nơi cư trú hoặc vào cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định.

 

Câu hỏi 6: Nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam có thể trình báo với cơ quan nào? Trách nhiệm người khai báo là nạn nhân? Được hỗ trợ những gì?

Trả lời:

Theo Điều 8, Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT/BCA-BQP-BLĐTBXHN-BNG, ngày 10/02/2014 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao, hướng dẫn trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán:

1. Nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam hoặc người biết việc có thể đến trình báo với cơ quan công an (cấp xã, huyện, tỉnh).

2. Trách nhiệm của người khai báo là nạn nhân:

Xuất trình giấy tờ tùy thân, kê khai vào Tờ khai và cung cấp các thông tin khác theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

3. Nạn nhân được hỗ trợ:

- Nạn nhân được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu trong trường hợp cần thiết.

- Trường hợp đủ căn cứ xác định là nạn nhân sẽ được cấp giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán.

- Nạn nhân được đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân trong khi chờ cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để đưa nạn nhân về nước.