Các câu hỏi thường gặp

Câu hỏi thường gặp về xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài, công dân Việt Nam

Quy định về cấp hộ chiếu cho công dân Việt Nam

Câu hỏi: Tôi đã nhận được Căn cước công dân thay cho Chứng minh nhân dân 9 số. Tôi có nguyện vọng được đổi sang hộ chiếu phổ thông có gắn chíp. Xin hỏi làm thế nào ?

Trả lời:

Theo quy định của Thông tư số 73/2021/TT-BCA ngày 29/6/2021 của Bộ Công an quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan (có hiệu lực từ 14/8/2021), nếu các ấn phẩm trắng hộ chiếu cũ đã cung cấp cho các cơ quan chưa được cấp hết thì sẽ tiếp tục được sử dụng. Do đó, hiện nay Cục Quản lý xuất nhập cảnh vẫn cấp hộ chiếu theo mẫu cũ. Sau ngày 01/01/2022 sẽ thống nhất sử dụng theo mẫu hộ chiếu mới, trong đó có hộ chiếu gắn chíp điện tử. Hộ chiếu cũ được cấp trước ngày 01/01/2022 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong hộ chiếu, không cần phải đổi lại hộ chiếu.

Câu hỏi: Hiện tôi đang làm việc tại Hà Nội nhưng có hộ khẩu Vĩnh Phúc. Tôi muốn đổi hộ chiếu thì cần về địa phương hay có thể làm tại nơi cư trú? Tôi có thể gửi hồ sơ qua đường bưu điện xin cấp lại hộ chiếu được không ?

Trả lời:

Theo quy định của Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu nộp hồ sơ tại Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc tạm trú; trường hợp có thẻ Căn cước công dân thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh nơi thuận lợi. Nếu cấp hộ chiếu từ lần thứ hai thì có thể nộp hồ sơ tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh nơi thuận lợi hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Theo quy định hiện hành, công dân đề nghị cấp hộ chiếu có thể khai tờ khai online nhưng cần đến trụ sở Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để nộp hồ sơ và lệ phí.

Câu hỏi: Tôi đã có hộ chiếu nhưng sau đó tôi đã thay đổi Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân có gắn chíp. Việc thay đổi này có ảnh hưởng đến hộ chiếu của tôi khi xin thị thực không?

Trả lời:

Hiện nay không có quy định công dân phải đổi hộ chiếu khi thay đổi số Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân. Tuy nhiên, để thuận lợi và thống nhất các loại giấy tờ thì anh/chị nên đổi hộ chiếu theo số Căn cước công dân mới.

Quy định xuất nhập cảnh trong giai đoạn Covid-19

Câu hỏi: Trường Đại học của chúng tôi có một số sinh viên nước ngoài có nguyện vọng tới Việt Nam để học thạc sỹ. Quy trình nhập cảnh cho sinh viên nước ngoài hiện nay như thế nào ?

Trả lời:

Trong tình hình hiện nay, Chính phủ vẫn tạo điều kiện cho người nước ngoài là học sinh, sinh viên theo học các trường tại Việt Nam trên cơ sở phải đảm bảo biện pháp phòng chống Covid-19. Về thủ tục, sinh viên nước ngoài thông qua Trường Đại học tại Việt Nam để xin ý kiến chấp thuận của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chủ trương và phương án cách ly y tế. Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ xem xét, cấp phép nhập cảnh khi có văn bản của UBND tỉnh, thành phố.

Câu hỏi: Tôi là công dân Việt Nam có kết hôn với vợ là người Thái Lan (có đăng ký kết hôn tại Việt Nam). Hiện tại vợ tôi đã hết thời gian lưu trú trên thẻ tạm trú (thẻ thời hạn 3 năm). Đợt trước có về Thái Lan nhưng không thể quay lại Việt Nam do dịch Covid-19, đến nay đã gần 02 năm. Vợ tôi có đủ điều kiện nằm trong diện chuyến bay giải cứu dành cho đối tượng là công dân Việt Nam không?  

Trả lời

Hiện nay, để đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam chỉ giải quyết cho người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp và thân nhân; học sinh, sinh viên theo học các trường tại Việt Nam (do UBND cấp tỉnh phê duyệt về chủ trương và phương án cách ly y tế). Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ xem xét, giải quyết sau khi UBND cấp tỉnh đồng ý về việc nhập cảnh của người nước ngoài theo đề nghị của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam.

Đối với trường hợp người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam không thuộc diện nêu trên phải được sự đồng ý của Tổ Công tác 5 Bộ (Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải).

Câu hỏi: Tôi là người Nam Phi và dự tính mua cổ phần tại một công ty có ngành, nghề ưu đãi đầu tư là chế biến nông lâm thủy sản. Tôi dự tính mua 40% cổ phần công ty với giá 03 tỷ đồng. Tôi đã có đủ điều kiện để được cấp thị thực  ĐT1 chưa ?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, thị thực ĐT1 cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên hoặc đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quyết định. Do đó, nếu anh/chị đầu tư vào ngành nghề ưu đãi theo quy định của Chính phủ thì thuộc trường hợp được cấp thị thực ĐT1 nếu có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư.